Thứ 6, 19/04/2024 10:26:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:52, 25/12/2019 GMT+7

Liên kết nông dân qua chi, tổ hội nghề nghiệp

 Vũ Nam
Thứ 4, 25/12/2019 | 13:52:00 478 lượt xem
BP - Hội Nông dân huyện Phú Riềng hiện có hơn 7.400 hội viên tham gia sinh hoạt tại 10 hội cơ sở, 89 chi hội và 280 tổ hội. Thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW của Ban Thường vụ Trung ương Hội và Kế hoạch số 62-KH/HNDT của Hội Nông dân tỉnh về xây dựng mô hình chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2018, Hội Nông dân huyện Phú Riềng đã triển khai đến các cấp hội cơ sở nhằm tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ hội viên trong quá trình đầu tư sản xuất, tăng thu nhập, phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao. Qua 3 năm thực hiện, nhiều chi hội, tổ hội nghề nghiệp ở Phú Riềng đã dần ổn định sản xuất, kinh doanh và có những bước phát triển vững chắc.

Chi hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc vườn điều xã Long Hà được thành lập tháng 3-2017, tập hợp các thành viên có diện tích canh tác liền kề, cùng sản xuất loại cây trồng, chung lợi ích và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm trên cùng đơn vị diện tích. Tham gia chi hội, các thành viên được trao đổi, học hỏi những cách làm hay, sáng tạo, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây điều. Thành viên còn được hỗ trợ mua phân bón trả chậm, vay vốn tương trợ từ Quỹ “Hỗ trợ nông dân” tỉnh, huyện để đầu tư vườn cây. Từ 48 thành viên ban đầu, nay chi hội đã phát triển lên 76 thành viên, với diện tích 205 ha, năng suất bình quân khoảng 2,5 tấn/ha.

Cứ 3 tháng, các thành viên Chi hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc vườn điều xã Long Hà (Phú Riềng) họp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc vườn điều xã Long Hà cho biết: 3 tháng/lần, các thành viên sinh hoạt định kỳ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá tình hình thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, triển khai các hoạt động cho thời gian tiếp theo. Hầu hết thành viên đã và đang chuyển đổi phương thức đầu tư, chăm sóc cây điều theo hướng sinh học hữu cơ, chuyển đổi một số vườn điều già cỗi năng suất thấp sang giống điều PN1 - giống điều ghép địa phương năng suất cao, chất lượng tốt hơn.

Trong quá trình thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân xã Long Hà quan tâm, tạo điều kiện để các chi, tổ hội hoạt động hiệu quả như: Phát triển sản xuất; tham quan các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh hại cây điều; đại diện ký kết mua phân bón, các loại vật tư nông nghiệp trả chậm cho hội viên. Năm 2017, có 25 hội viên được vay vốn quỹ “Hỗ trợ nông dân” 1 tỷ đồng để đầu tư chăm sóc vườn điều. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hà cho biết: Để giúp chi, tổ hội nghề nghiệp phát triển, hội đã xây dựng các mô hình trình diễn thực tế, hội thảo đầu bờ, chuyển giao khoa học, kỹ thuật hướng dẫn tại các thôn. Đến nay, xã xây dựng được 3 chi, tổ hội nghề nghiệp.

Mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp được thành lập trên cơ sở cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Để xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực, Hội Nông dân huyện đã tổ chức tuyên truyền, định hướng cho hội viên nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia. Đồng thời, kiểm tra, khảo sát nhu cầu, thực trạng tình hình sản xuất nông nghiệp của hội viên trên địa bàn các xã, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu thiết thực của hội viên nông dân.

Là huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp, do vậy các chi, tổ hội nghề nghiệp được thành lập sản xuất trong lĩnh vực trồng điều, cao su, hồ tiêu, cây ăn trái đều cho năng suất, chất lượng cao hơn bình quân chung toàn huyện. Trong đó, năng suất điều bình quân 2-2,2 tấn/ha và luôn cao hơn so bình quân của huyện (chỉ từ 1-1,3 tấn/ha). Các chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động dựa trên nguyên tắc tự chủ, tự quản và tự chịu trách nhiệm, thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ và công khai. Qua 3 năm thực hiện, đến nay toàn huyện thành lập được 5 chi hội, 11 tổ hội nghề nghiệp, tổng diện tích 1.283 ha với 514 thành viên. Chi, tổ hội nghề nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ “Hỗ trợ nông dân” tỉnh 1,8 tỷ đồng; tổ chức 6 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây điều, cây ăn trái với hơn 600 lượt hội viên tham dự; phối hợp các công ty phân bón tổ chức triển khai chương trình hỗ trợ bán phân bón trả chậm cho các chi hội nghề nghiệp khoảng 140 tấn phân hữu cơ, vi sinh; tổ chức cho thành viên tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn huyện và các công ty phân bón có chương trình phối hợp với Hội Nông dân huyện...

Xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp sẽ tạo tiền đề cho việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đồng thời, đây cũng là cơ sở thực tiễn để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp, có tính khả thi cao.

  • Từ khóa
45241

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu