Thứ 5, 25/04/2024 08:53:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:52, 26/11/2012 GMT+7

Liên kết đào tạo đại học ở Bình Phước: “Bánh ngọt” và “trái đắng”

Thứ 2, 26/11/2012 | 08:52:00 1,398 lượt xem

Cũng như ở nhiều địa phương khác, tại Bình Phước những năm gần đây, hoạt động liên kết đào tạo đại học đang là “cơ hội vàng” cho cả các cơ sở giáo dục và người học. Trong đó, cơ sở giáo dục liên kết để tổ chức đào tạo “kiếm bộn tiền” từ phần trăm được trích lại, trường đại học trực tiếp đào tạo thu học phí cao ngất ngưởng. Còn người học thì sẵn sàng đóng tiền để có tấm bằng đại học rồi được chuyển ngạch lương, bảo đảm tiêu chí “chuẩn hóa” cán bộ, công chức của mỗi ngành, mỗi đơn vị...

BÌNH PHƯỚC CÓ CẢ NGÀN “LUẬT GIA”

Theo thống kê của ngành giáo dục, từ năm 2007 đến 2010, toàn tỉnh có 7.209 trường hợp tham gia đào tạo đại học liên thông hệ không chính quy. Trong đó có: Trường Cao đẳng Công nghiệp cao su liên kết đào tạo đại học 2.003 sinh viên, với 6 trường đại học, gồm: Giao thông vận tải, Sài Gòn, Nông lâm, Tây Nguyên, Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương. Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Bình Phước liên kết đào tạo đại học 1.042 sinh viên, với 3 trường đại học: Đà Lạt, Tôn Đức Thắng, Sài Gòn. Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước liên kết đào tạo 2.075 sinh viên, với 3 trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Sư phạm Thể dục - Thể thao, Sài Gòn. Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh liên kết đào tạo đại học 3.131 sinh viên với 5 trường đại học: Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Đà Lạt, Mở TP. Hồ Chí Minh, Huế. Ngoài ra, còn một số trường, trung tâm, cơ sở giáo dục khác trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức liên kết đào tạo đại học không chính quy với số lượng không nhỏ.

Một trong những hệ quả của liên thông đào tạo không chính quy là khiến cánh cửa vào công sở đối với sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy hẹp hơn. Ảnh: Học sinh trường THPT chuyên Quang Trung trong giờ ra chơi

Một khóa đào tạo đại học diễn ra trong 4 năm, tương ứng với khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2010. Như vậy, có thể tính bình quân trên dân số toàn tỉnh, chỉ với thống kê tại 4 đơn vị vừa nêu, từ năm 2007 đến 2010, cứ khoảng 100 người ở Bình Phước thì có 1 người đang theo học đại học không chính quy.

Tổ chức liên kết đào tạo nhiều nhất là ngành luật và kinh tế - luật: Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật liên kết với trường Đại học Đà Lạt đào tạo 522 sinh viên. Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh liên kết với trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh đào tạo 590 sinh viên và liên kết với trường Đại học Huế đào tạo hàng trăm sinh viên khác... Như vậy, đến thời điểm này (năm 2012), riêng kết quả của đào tạo không chính quy, Bình Phước ít nhất cũng đã có hơn 1.000 cử nhân luật - trang trọng hơn gọi là “luật gia”. Những ngành đào tạo nhiều tiếp theo là sư phạm, quản trị kinh doanh, quản lý đất đai, tài chính - kế toán, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông...

“ĐƯỢC ANH, ĐƯỢC Ả, ĐƯỢC CẢ 3 BÊN”

Hồ sơ thi tuyển vào đại học tại chức ở một số trường cho thấy, nhiều trường hợp vẫn thi đậu với kết quả trung bình mỗi môn chỉ đạt... 1 điểm. Một thực tế là dường như thi đại học tại chức cứ đăng ký là đậu, rất hiếm trường hợp thi rớt. Kết quả đầu ra cũng khó tìm được một sinh viên thi rớt hoặc chậm năm tốt nghiệp. Quá trình học tại chức, từ xa, có lẽ ai cũng biết rõ. Giám đốc Sở giáo dục - đào tạo Nguyễn Hùng từng cho biết: Trong thời gian 2007-2010, sở không theo dõi, quản lý các khóa đào tạo đại học tại chức. Trong khi đó hầu hết cơ sở liên kết đào tạo không có sổ theo dõi nên sở không thể biết được các lớp có bảo đảm thời gian đào tạo theo quy định, thực tế đội ngũ giáo viên đứng lớp... Theo quy định, ngành giáo dục sẽ phạt rất nặng đối với trường hợp tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, các trường liên kết đào tạo với 4 cơ sở giáo dục của tỉnh hầu hết đều tuyển vượt chỉ tiêu cho phép.

Thực tế với điều kiện xuất phát điểm thấp về kinh tế và giáo dục còn nhiều khó khăn, Bình Phước có một bộ phận không nhỏ cán bộ chưa qua đào tạo chính quy. Đây là những trường hợp do điều kiện lịch sử và đã trưởng thành qua thực tiễn. Tuy nhiên, với thế hệ trẻ sinh ra sau khi đất nước thống nhất, việc không học chính quy mà chọn “đường tắt” học tại chức, từ xa rồi chuyển ngạch, thậm chí còn đạt mục đích khi chuyển ngạch lương sẽ cao hơn so với trường hợp được đào tạo bài bản cùng độ tuổi, thì thật khó chấp nhận trong thời điểm hiện nay. Hệ quả là người học chính quy không còn “chỗ” trong hệ thống công sở và quỹ lương của Nhà nước phình to hơn.

Trong 4 năm (2007-2010), trường Cao đẳng Công nghiệp cao su liên kết đào tạo đại học thu học phí 7 tỷ 185,515 triệu đồng, trong đó được trích lại 2 tỷ 20,048 triệu đồng. Cụ thể, liên kết đào tạo với các trường đại học Nông lâm, Giao thông vận tải, Tây Nguyên, trường Cao đẳng Công nghiệp cao su được trích lại 25% học phí; liên kết với Đại học Sài Gòn được trích lại 32% học phí, liên kết với trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh được trích lại 30% học phí. Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bình Phước liên kết đào tạo đại học thu học phí 3 tỷ 245,695 triệu đồng, trong đó được trích lại 1 tỷ 944,5 triệu đồng. Trường Cao đẳng Sư phạm thu được 6 tỷ 99,1 triệu đồng, trong đó được trích lại 1 tỷ 829,73 triệu đồng... Tỷ lệ được trích lại giữa các trường, trung tâm có chênh lệch nhưng không nhiều. Ngoài tiền học phí, người học còn phải đóng nhiều khoản tiền khác cho cơ sở liên kết đào tạo và trường đào tạo. Trong đó, để bảo đảm kết quả học, có những khoản “bất thành văn” mà bất kỳ người học nào cũng phải chấp nhận, như lo toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại cho giáo viên... và làm thế nào để giáo viên “hài lòng” trước khi rời Bình Phước về trường.

Sau khi có bằng đại học, hầu hết công chức nhà nước được chuyển bậc lương, ngạch lương. Kết quả nhiều ngành đặc thù đã “tuyển” được cán bộ làm nghiệp vụ chuyên môn của đơn vị từ chính những công nhân, nhân viên hành chính. Thậm chí, nhiều trường hợp còn yêu cầu được bố trí công việc phù hợp với bằng cấp mới, có trường hợp không được đáp ứng đã làm đơn khiếu nại gửi lên cấp quản lý cao hơn. Hậu quả là có hàng ngàn trường hợp không được đào tạo bài bản đang làm nghiệp vụ, thậm chí nghiệp vụ quan trọng liên quan đến tính mạng con người, đào tạo con người như ngành y, ngành tư pháp, ngành giáo dục... hoặc làm việc trong các cơ quan nhà nước trực tiếp giải quyết công việc của nhân dân. Và ai phải “lãnh” hệ quả trong trường hợp này, có lẽ đã rõ.

Trần Phương

  • Từ khóa
92165

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu