Thứ 7, 20/04/2024 09:07:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:46, 18/11/2015 GMT+7

Không có chồng chéo trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

Thứ 4, 18/11/2015 | 08:46:00 1,086 lượt xem
BPO - Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chiều 17-11, tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể nỗ lực phối hợp và đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều bất cập chưa đạt được như mong muốn của Chính phủ và từng bộ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn

Phó Thủ tướng cho rằng những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này không phải do phân công, phân nhiệm còn chồng chéo.

Theo Phó Thủ tướng, trước năm 2011, khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm được quản lý theo cách phân luồng, theo đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý khâu sản xuất, Bộ Công Thương quản lý khâu lưu thông và Bộ Y tế quản lý khâu chế biến… 

Sau khi Luật mới được xây dựng theo tư duy phù hợp với quốc tế, việc quản lý được thực hiện theo chuỗi, theo ngành hàng và theo nhóm sản phẩm từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, lưu thông, kinh doanh... 

Luật An toàn thực phẩm quy định rất rõ trách nhiệm của các bộ đối với lĩnh vực này; đồng thời Nghị định của Chính phủ cũng quy định cụ thể theo tinh thần của Luật để giải quyết triệt để vấn đề.

Tháng 4-2014, các bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Công Thương đã ban hành thông tư liên tịch quy định chi tiết nguyên tắc phối hợp. Theo đó, mỗi cơ quan sẽ chịu trách nhiệm chính đối với một lĩnh vực, kèm theo phụ lục đầy đủ từng ngành hàng, từng nhóm sản phẩm. 

Việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như nhiều ngành hàng khác luôn có sự giao thoa giữa các ngành. Vì vậy, dù đã tinh giản nhiều nhưng hiện nay, Việt Nam có 192 Ban chỉ đạo và Ủy ban liên ngành, trong đó Thủ tướng và Phó Thủ tướng đứng đầu 108 Ban Chỉ đạo. Các ban Chỉ đạo, Ủy ban này (trong đó có Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm) không chỉ họp định kỳ mà còn thường xuyên trao đổi giữa các bộ để xem vấn đề gì còn để “lọt” cần xử lý ngay. 

Vấn đề quan trọng là hệ thống văn bản pháp luật đã đầy đủ, nếu thực hiện tốt sẽ giải quyết được vấn đề một cách cơ bản. Việc tổ chức thực hiện không chỉ là của từng ngành mà trong đó cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền – Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Phó Thủ tướng khẳng định Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đồng ý cùng Chính phủ soạn thảo một chương trình phối hợp, cùng các đoàn thể để làm tốt việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu làm được việc này sẽ tạo được chuyển biến mạnh bởi việc sản xuất kinh doanh diễn ra ở từng hộ gia đình, ai sử dụng chất cấm, sử dụng sai thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ở cơ sở đều biết đồng thời làm tốt việc này sẽ khắc phục được câu chuyện thanh tra, kiểm tra. 

Theo báo cáo của các bộ trưởng trong nhiệm kỳ qua, mỗi một năm, các cơ quan đã tiến hành kiểm tra, thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại 470.000 lượt cơ sở, trong đó lực lượng thanh tra chuyên ngành, kể cả thú ý chỉ có 1.300 người (rất thấp so với các nước xung quanh). Quyết định thí điểm đó được thực hiện sẽ huy động được những người không phải là thanh tra chuyên trách tham gia. 

Mong rằng qua diễn đàn Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng, người dân sẽ ý thức hơn được về vấn đề này - Phó Thủ tướng mong mỏi.

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
14417

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu