Thứ 5, 25/04/2024 21:41:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 09:22, 15/05/2018 GMT+7

Lệnh cấm đánh bắt cá trong vùng biển của Việt Nam là không có giá trị

Thứ 3, 15/05/2018 | 09:22:00 1,393 lượt xem
BP - Trong tháng 5-2018, biển Đông lại tiếp tục “dậy sóng” bởi những việc làm ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Cùng với việc xây dựng đảo nhân tạo trái phép, đưa vũ khí, khí tài quân sự lên đảo, liên tục tổ chức diễn tập quân sự…, Trung Quốc đã làm cho biển Đông không còn được yên bình, ảnh hưởng lớn đến việc mưu sinh của ngư dân các nước trong khu vực.

NHỮNG HÀNH VI NGANG NGƯỢC

Ngày 8-5, trả lời câu hỏi về thông tin trên báo chí nước ngoài liên quan đến việc Trung Quốc bố trí tên lửa tại các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “...Việt Nam đề nghị Trung Quốc không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...”. Trước đó, Trung Quốc đã thông báo và đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 1-5 đến 16-8-2018 trên vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến - Quảng Đông, kể cả vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Liên quan đến vấn đề này, ngày 22-3-2018, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: “Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc”. Bà Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam đã được xác định phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982.

Tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển - Ảng tư liệu

Ngày 23-4-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển về việc Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn trên biển Đông. Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp triển khai ngay việc chỉ đạo cơ quan chức năng thông báo cho ngư dân tham gia khai thác hải sản trên biển biết về hành động của Trung Quốc. Bộ  khẳng định, việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là không có giá trị.

Hội nghề cá Việt Nam cũng đã có văn bản kịch liệt phản đối hành động đơn phương và không có giá trị pháp lý của phía Trung Quốc khi ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Công văn phản đối đã được Hội nghề cá Việt Nam gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và Ban đối ngoại Trung ương Đảng. Hội nghề cá đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp hữu hiệu, sớm ngăn chặn để chấm dứt hành động trên của Trung Quốc, thường xuyên có lực lượng tàu chấp pháp trên biển để tăng cường công tác bảo vệ ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân an tâm sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

HỖ TRỢ NGƯ DÂN LÀM ĂN

Từ những thực tế đáng lo ngại trên biển Đông hiện nay, các cơ quan chức năng của Trung ương, các tỉnh, thành ven biển đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động nhằm động viên ngư dân bám biển, sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam. Các địa phương chỉ đạo ngành chức năng quản lý chặt chẽ việc xuất bến của tàu cá hoạt động trong thời gian thông báo của Trung Quốc, thường xuyên theo dõi tình hình tàu cá trên biển. Ngư dân cần tổ chức thành đoàn, đội khi ra khơi để hỗ trợ nhau trên biển; thường xuyên liên lạc thông tin giữa các tàu thuyền, đồng thời giữ liên lạc với lực lượng kiểm ngư để được hỗ trợ khi cần. Đối với tàu cá có giấy phép khai thác trong vùng đánh bắt cá chung vịnh Bắc Bộ năm 2017-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu ngư dân không sang khai thác tại các vùng biển phía đông đường phân định vịnh Bắc Bộ trong thời gian từ 1-5 đến 16-8. Ngay từ đầu tháng 5, Cảnh sát biển và Bộ đội biên phòng tiếp tục tăng cường tuần tra để kịp thời ngăn chặn những hành vi bắt nạt của tàu nước ngoài (nếu có) đối với ngư dân Việt Nam.

Biển Đông có quy chế pháp lý quốc tế điều chỉnh các hành vi hoạt động an toàn, cùng có lợi cho cả cộng đồng chứ không phải “ao nhà” của Trung Quốc mà họ có thể đơn phương ban hành quy chế cấm đoán. Trung Quốc không có quyền cấm ngư dân ta đánh bắt trên vùng biển của ta. Dù Trung Quốc có áp đặt như thế nào, ngư dân Việt Nam vẫn không coi lệnh cấm của họ có giá trị và vẫn tiếp tục đánh bắt trên vùng biển quen thuộc của mình. Đó là suy nghĩ của nhiều ngư dân trước khi ra khơi bám biển, hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, nơi từng thấm đẫm mồ hôi, xương máu của cha ông mình.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111327

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu