Thứ 6, 29/03/2024 13:04:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:58, 22/07/2014 GMT+7

Lên “giời” mà hỏi!

Thứ 3, 22/07/2014 | 07:58:00 117 lượt xem

BP - Hơn tuần qua, hầu hết các vị “thượng đế” của ngành điện đều giật mình khi nhìn hóa đơn tiền điện phải trả cho tháng 6, bởi số tiền điện đột nhiên tăng vọt đến 2 lần. Cá biệt một làng ở xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An đã viết đơn kiến nghị tập thể và Công ty Điện lực Nghệ An đã phải trả lại tiền điện tính sai cho dân. Còn ở Bình Phước, hầu hết số tiền điện tháng 6 của các gia đình đều tăng gấp 2 lần so trước. Cá biệt có gia đình ở phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài bị tăng hơn 6,5 lần so bình quân mức tiêu thụ năm 2013 (Bài “Tiền điện tăng khủng” trên Báo Bình Phước số thứ Sáu, ngày 18-7).

Lời giải thích của nhân viên ngành điện mới nghe tưởng rất hợp lý, nhưng nhiều gia đình khẳng định họ không hề sử dụng điện nhiều hơn bình thường. Thậm chí có gia đình đóng cửa đi du lịch gần nửa tháng, không dùng điện mà hóa đơn vẫn tăng gấp đôi. Bản thân người viết bài này, gia đình chỉ có hai vợ chồng công chức đi làm cả ngày, chỉ trưa và chiều về nhà, không dùng máy điều hòa, nhà tắm sử dụng nguồn năng lượng mặt trời mà tiền điện tháng 6 bỗng dưng là 667 ngàn đồng (làm tròn số) trong khi bình quân năm 2013 từ 340-370 ngàn đồng/tháng.

Dù xót xa bởi đột nhiên phải trả số tiền quá lớn nhưng hầu hết các “thượng đế” đành âm thầm chấp nhận bởi không có cách gì đối chứng khi việc ghi chỉ số công tơ vốn là một bí mật của ngành điện. Cho dù ngành điện có “múa gậy trong bị” cỡ nào thì người dùng vẫn phải “ngậm bồ hòn” mà trả. Cứ thử chậm đóng tiền điện mà xem, “ông lớn” điện lực sẽ cắt cái rụp cho biết mặt! Cả dây chuyền sản xuất đang chạy ầm ầm, bụp cái mất điện, hàng tỷ đồng mất theo nhưng đố mà kiện được. Bởi họ sẽ đổ lỗi cho sự cố đường dây hoặc nại ra một lý do nào đó và dù có vô lý thì cũng phải chấp nhận. Không có điện làm sao trẻ con học bài, bác sĩ mổ cho bệnh nhân, nông dân bơm nước tưới cây và còn hàng trăm ngàn công việc không thể đừng!

Do nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, nhiều nơi người dân phải tự đóng tiền “mời” nhân viên ngành điện về khảo sát, mua vật tư của họ để lắp đặt đường dây, để được mua điện. Vừa mới thay công tơ, nhưng để cho “đồng bộ”, hiện đại lại thay công tơ mới do chính ngành điện bán. Khách hàng cứ thế cắn răng trả tiền. Bởi thế, mỗi nhân viên ngành điện đều thể hiện rõ sự độc quyền trong tay. Họ muốn tăng giá thì tăng (cho dù chỉ thay đổi cách tính như hiện nay cũng chẳng khác gì tăng giá), thích cắt điện thì cắt, không được hỏi. Bởi thế, những “thượng đế” của ngành điện chẳng khác gì người đi xin. Với ngành điện, ai thích làm thượng đế thì... mời lên “giời”!.

Bức xúc mà chẳng biết làm gì, nhiều người hỏi nhau vì sao ngành điện vừa có đặc quyền lại vừa được độc quyền như vậy? Không biết trên thế giới có loại hình doanh nghiệp nào giống như ngành điện của ta không?  

L.T

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu