Thứ 7, 20/04/2024 17:22:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:00, 08/01/2019 GMT+7

Lê Quốc Thanh - công nhân ưu tú ngành cao su Việt Nam

Thứ 3, 08/01/2019 | 07:00:00 1,311 lượt xem
BP - Trước tình hình dây chuyền sản xuất mủ cốm tạp thường bị quá tải điện năng vào giờ cao điểm, hoạt động gián đoạn, hệ thống dây chuyền phát sinh nhiều hư hỏng, gây thiệt hại về kinh tế, anh Lê Quốc Thanh (SN 1983), công nhân chế biến xưởng cốm tạp, Xí nghiệp Cơ khí - chế biến cao su Lộc Hiệp Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh đã có sáng kiến “Cải tiến dây chuyền sản xuất mủ cốm tạp bỏ qua máy cắt thô 2 và máy băm búa”. Hơn 1 năm kiểm nghiệm, sản phẩm tạo ra đảm bảo chất lượng và tiết kiệm điện năng, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Sáng kiến của anh vừa được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam công nhận.

Anh Lê Quốc Thanh làm công nhân Xí nghiệp Cơ khí - chế biến cao su Lộc Hiệp từ năm 2002, được luân chuyển vận hành máy ở các vị trí nên có nhiều kinh nghiệm. Anh Thanh cho biết: “Ngoài nỗ lực của bản thân thì sáng kiến còn có sự đóng góp công sức của tập thể công nhân trong xưởng và sự hỗ trợ đắc lực của Ban giám đốc, các bộ phận chuyên môn tư vấn kỹ thuật, kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm. Sáng kiến đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế và thời gian tới, chúng tôi tiếp tục cải tiến để giảm các chỉ số về chất bẩn, tro, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.

Anh Lê Quốc Thanh (bìa trái) cùng Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí - chế biến cao su Lộc Hiệp kiểm tra sản phẩm sau khi áp dụng sáng kiến

Trước khi có sáng kiến, dây chuyền sản xuất cốm tạp của xí nghiệp gồm 45 người quản lý vận hành các hạng mục: Tiếp nhận mủ, máy cắt miếng 1, máy cắt miếng thô 2, máy cắt miếng 3, máy băm búa, máy ba trục 1, các máy từ số 2 đến số 8, máy băm tinh, xông sấy và thành phẩm cốm tạp (đóng kiện nhập kho). Sau khi áp dụng sáng kiến bỏ máy cắt miếng thô 2 và máy băm búa thì dây chuyền sản xuất đã giảm được 2 công nhân, giảm thêm gàu số 2, băng tải số 1, giảm trục vít 4 và máy khuấy 1, 2. Dây chuyền được hoàn thiện bằng cách cải tiến dao băm, hàn thêm dao cắt tăng công năng máy cắt miếng 3. Sửa chữa nối hồ số 3 và 4. Quá trình vận hành dây chuyền thử nghiệm trong 1 năm (từ tháng 9-2016 đến 9-2017) cho thấy kết quả hoạt động đảm bảo ổn định, sản phẩm tạo ra đạt năng suất 1 ca (8 giờ) sản xuất 10 tấn mủ cốm tạp thành phẩm. Trong ngày, hệ thống dây chuyền có thể chạy tối đa 1,5 ca sản xuất (12 giờ) với sản lượng 15 tấn, bằng sản lượng dây chuyền ban đầu. Chất lượng sản phẩm sau khi đã kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn, các chỉ tiêu về chất tro, bẩn ở ngưỡng cho phép, đặc biệt tiết kiệm chi phí, góp phần nâng cao đời sống công nhân, cụ thể sáng kiến giảm được 100kW/giờ. Trong đó giảm điện năng tiêu thụ tại máy cắt miếng thô 2 là 45kW/giờ; máy băm búa 55kW/giờ; gàu số 2 là 5kW/giờ; băng tải số 1 là 5kW/giờ và trục vít 4 là 5kW/giờ. Tiết kiệm chi phí điện năng trong 1 năm 360 triệu đồng. Giảm chi lương cho 2 nhân công 90 triệu đồng/năm. Như vậy, sáng kiến đã trực tiếp giảm chi phí cho xí nghiệp tổng 450 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Ngọc Tăng, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí - chế biến cao su Lộc Hiệp cho biết: “Quá trình hoạt động, nhiều công nhân đã có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho đơn vị, anh Lê Quốc Thanh là một trong những điển hình. Hiện sáng kiến của anh Thanh đang được nhiều đơn vị trong nước đến học hỏi kinh nghiệm và áp dụng”.

Với những nỗ lực, năm 2017, anh Thanh được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tặng danh hiệu công nhân ưu tú. Tháng 5-2018, anh vinh dự được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chọn tham gia giao lưu những gương mặt tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác tổ chức tại Hà Nội. Ngoài ra, anh Thanh còn được tuyên dương Bí thư Chi đoàn giỏi Cụm miền Đông Nam bộ vào tháng 11-2018.

Quang Minh

  • Từ khóa
2205

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu