Thứ 4, 24/04/2024 06:48:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:37, 02/03/2016 GMT+7

Lễ hội Cầu ngư của cư dân miền biển

Thứ 4, 02/03/2016 | 07:37:00 573 lượt xem

BP - Khắp nơi trên đất nước ta đang bước vào mùa lễ hội với không khí vui tươi, rộn ràng. Đối với cư dân các vùng ven biển, lễ hội Cầu ngư luôn mang một sắc thái mới, sôi động, tưng bừng, náo nhiệt và không có những hình ảnh “xấu xí” như một số lễ hội khác mà báo chí đã phản ánh. Mang nét văn hóa đặc trưng của người dân ven biển, lễ hội Cầu ngư được coi là tín ngưỡng văn hóa chuyển tải khát vọng bình yên cuộc sống của ngư dân, những người luôn phải đối mặt với bất trắc trong những tháng ngày lênh đênh giữa biển khơi.

VÀI NÉT VỀ LỄ HỘI CẦU NGƯ

Cầu ngư là một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân Việt Nam. Lễ hội có nhiều tên gọi như: Lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá ông, lễ cúng ông, lễ nghinh ông, lễ nghinh ông Thủy tướng... Tên gọi tuy khác nhau nhưng tất cả đều có chung một quan niệm: Cá ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển. Ở mỗi địa phương, lễ hội Cầu ngư diễn ra vào một thời điểm khác nhau nhưng đều có hai phần chính, phần lễ và phần hội.

Trước hết là lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Dọc theo đường rước, bà con bày lễ vật nghênh đón. Cùng với thuyền rồng còn có hàng trăm ghe lớn nhỏ, trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ tháp tùng. Trên các ghe chở hàng ngàn quan khách và bà con ngư dân tham dự đoàn rước. Trước mũi ghe là hương án và mâm lễ vật. Tại bến, một đoàn múa lân - sư - rồng đã đợi sẵn để đón ông về lăng. Lễ tế diễn ra trang trọng sau lễ rước với nghi thức cổ truyền của từng địa phương. Suốt các ngày lễ hội, ngư dân mời nhau, kể cả khách từ nơi xa đến cùng ăn uống, vui chơi, trò chuyện thân tình, chuẩn bị cho một mùa ra khơi bám biển.

Đoàn thuyền của các vạn chài làm lễ Cầu Ngư ở Bình Thuận - Ảnh: Internet

Về phần hội, tùy điều kiện, mỗi địa phương có một hình thức tổ chức riêng nhưng chủ yếu là các trò chơi dân gian mang đậm sắc màu vùng biển như: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng... Về văn nghệ, ngoài hát tuồng, hát hò khoan, còn có một hình thức múa hát đặc trưng trong lễ hội Cầu ngư là múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò) diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng gió, mang về một mùa bội thu cho ngư dân. Hát múa bả trạo, vừa là nghi thức tế lễ vừa là hoạt động nghệ thuật. Trong tâm linh của người dân miền biển, lễ hội Cầu ngư chiếm một vị trí rất quan trọng. Bởi họ hiểu được sự nguy hiểm luôn rình rập nơi biển cả mênh mông trong mỗi chuyến ra khơi. Vì vậy, trước mùa đi biển ngư phủ nào cũng dâng hương, cầu mong cho bản thân, gia đình và bạn chài được chở che.

LỄ HỘI CẦU NGƯ Ở MỘT SỐ NƠI

Hằng năm sau tết Nguyên đán, ngư dân các vùng ven biển ở nước ta lại rộn ràng bước vào mùa lễ hội Cầu ngư. Ở Nghệ An, ngư dân tưng bừng tổ chức lễ hội Cầu ngư vào những ngày tháng giêng. Với tấm lòng thành kính, ngư dân miền biển nơi đây dâng lên thần sông, thần biển, các bậc tiền nhân tổ nghiệp nén hương thơm. Tại lễ hội, người ta tế lễ vào đêm chính hội, rước kiệu bằng hai đường thủy, bộ và tổ chức chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc của người dân miền biển xứ Nghệ.

Trong khuôn khổ lễ hội Cầu ngư, ngày 23-2-2016, Bảo tàng Đà Nẵng đã phối hợp với UBND quận Thanh Khê trưng bày hàng chục bản đồ, tư liệu, hình ảnh liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Đông đảo người dân tham dự lễ hội, trong đó có nhiều học sinh đến gian trưng bày để nghe thuyết minh về những tấm bản đồ quý. Đây là tài liệu đã được chọn lọc để tuyên truyền cho nhân dân một cách ngắn gọn, súc tích về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cũng trong dịp này, các địa phương ven biển tỉnh Quảng Nam đều tổ chức lễ hội Cầu ngư. Mở đầu là lễ rước thần cá Ông ở cửa biển, sau đó là lễ dâng hương, lễ cầu an... Các nghi lễ này được ngư dân tổ chức long trọng với lòng thành kính, cầu mong cho một năm trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa và đánh bắt được nhiều tôm, cá. Sau phần lễ, các ngư dân bắt đầu khai hội với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao sôi nổi.

Tại Đà Nẵng, trong ngày 23-2-2016 (nhằm ngày 16 tháng giêng), ngư dân đã tổ chức trang trọng lễ hội Cầu ngư. Trong ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng rực rỡ, trang nghiêm. Trên mỗi tàu thuyền đều giăng đèn kết hoa. Làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức cá ông và cầu mong một mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. Rạng sáng hôm sau, dân làng đánh trống làm lễ rước trên biển. Có nơi còn tổ chức lễ rước ông từ làng này qua làng khác để bày tỏ sự đoàn kết giữa các xóm chài. (*)

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ hội Cầu ngư, thờ cúng cá ông mang đậm nét văn hóa dân gian tiêu biểu của ngư dân các vùng biển và có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng. Qua thời gian, lễ hội càng được củng cố và trở thành lễ hội truyền thống đầu xuân của bà con ngư dân. Lễ Cầu ngư còn thể hiện ý thức “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của các vị tiền nhân có công lập làng, dựng nghề. Thông qua lễ hội, thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân làng chài để họ có thêm sức mạnh trong cuộc mưu sinh giữa muôn trùng sóng nước.

Đức Hồng

((*) Theo dananggov.vn)

  • Từ khóa
91899

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu