Thứ 6, 29/03/2024 18:21:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 06:19, 12/04/2019 GMT+7

Lễ giỗ mẹ trong thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ

Thứ 6, 12/04/2019 | 06:19:00 603 lượt xem
BP - Theo thông lệ hằng năm, trong các ngày từ 1 đến 3-3 âm lịch, nhiều nơi trên địa bàn Bình Phước diễn ra lễ giỗ mẹ. Đây là hoạt động chủ yếu của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ - loại hình tín ngưỡng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ở Bình Phước, hoạt động này chứa đựng nhiều ý nghĩa về văn hóa, lịch sử của địa phương.

Theo các tài liệu lịch sử đã được công bố, thời kỳ nửa đầu thế kỷ XX, nhiều cư dân các tỉnh đồng bằng Bắc bộ vào làm phu cao su ở Bình Phước. Quá trình di cư, sinh sống và làm việc ở địa phương, người dân đã du nhập, tổ chức thờ cúng Mẫu Tam phủ và duy trì cho đến ngày nay. Theo số liệu thống kê của Bảo tàng tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 24 địa điểm thờ cúng Mẫu Tam phủ, Tứ phủ được hình thành trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Hầu hết đều được thờ cúng chung trong khuôn viên các chùa. Tuy nhiên, cũng có những nơi tổ chức thờ cúng độc lập tại các cơ sở tín ngưỡng riêng như: Am Cô Ba ở Hớn Quản, miếu ông Hổ ở Bình Long, đền thờ Phạm Ngũ Lão ở Đồng Xoài...

Người dân trẩy hội vía Bà Rá, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long - Ảnh: K.b

Lễ giỗ mẹ là một trong 2 lễ hội lớn của thiết chế thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Tùy điều kiện từng nơi, lễ giỗ mẹ được tổ chức với quy mô và thời gian khác nhau. Ở Bình Phước, 2 lễ hội này đều được ban tổ chức lễ hội các đền duy trì hằng năm với quy mô khác nhau. Đa số các nơi thường tổ chức 1 ngày, vào ngày lễ chính 3-3. Tuy nhiên, ở một số nơi quy mô thờ cúng lớn, có tổ chức hoạt động ổn định đều tổ chức với thời gian dài hơn, từ 1-3 ngày. Chẳng hạn: miếu Bà Rá, miếu Ông Hổ, lễ hội kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 1 đến 3-3 âm lịch với nhiều hoạt động phong phú. Ngoài phần nghi lễ cúng bài bản, đầy đủ theo truyền thống, ban tổ chức lễ còn tổ chức các hoạt động hội khá đa dạng để đáp ứng nhu cầu hành hương của nhân dân.

Việc duy trì tổ chức các lễ hội liên quan đến thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở Bình Phước có nhiều ý nghĩa về lịch sử văn hóa của địa phương. Đây là chứng tích của thời kỳ khai hoang lập đồn điền của phu cao su ở Bình Phước, tạo nên sự đa dạng trong hoạt động thờ cúng tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. Một điều đặc biệt trong hoạt động thờ cúng tôn giáo, tín ngưỡng ở Bình Phước nói chung, thờ Mẫu nói riêng là yếu tố hỗn dung văn hóa thể hiện khá rõ nét. Trong một khuôn viên, các nơi có nhiều thiết chế thờ cúng thuộc nhiều loại hình khác nhau cùng tồn tại. Có nơi vừa có thiết chế thờ Phật (chùa), vừa có thiết chế thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ; có nơi vừa có thiết chế thờ thần Thành hoàng lại có thiết chế thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Đặc biệt, ở miếu Bà Rá vừa tồn tại hình thức thờ Mẫu Nam bộ, vừa tồn tại hình thức thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở Bắc bộ. Tín đồ tham gia thờ cúng cũng mang tính hỗn hợp, họ vừa là tín đồ phật tử thực hiện các nghi lễ thờ Phật, vừa là người tham gia thực hành các tín ngưỡng khác có thờ cúng trong phạm vi khuôn viên.

Có thể nói, sự duy trì và tổ chức hoạt động thờ cúng Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở Bình Phước ngày được khôi phục càng đi vào ổn định, quy củ từ khâu tổ chức thờ cúng đến việc duy trì các lễ hội có liên quan. Điều đó không chỉ bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của loại hình tín ngưỡng này ở địa phương mà còn góp phần quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Phạm Hữu Hiến

  • Từ khóa
93927

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu