Thứ 6, 29/03/2024 05:58:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:19, 15/12/2018 GMT+7

Lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo

Thứ 7, 15/12/2018 | 09:19:00 1,286 lượt xem
BP - Thay mặt Ban Thường vụ, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền vừa ký ban hành Văn bản số 04-HD/TU về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội. Báo Bình Phước xin giới thiệu đến bạn đọc về những nội dung chính trong văn bản này:

Phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm

Phạm vi: Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy các cấp và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cấp có đơn vị trực thuộc.

Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm: Bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ cấp ủy đảng các cấp (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến ủy viên ban thường vụ đảng ủy cơ sở). Các chức danh do HĐND các cấp bầu: chủ tịch HĐND, phó chủ tịch  HĐND, trưởng  các  ban  của  HĐND, chánh văn phòng; chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND, ủy viên của UBND.

Trưởng, phó các ban, ngành, MTTQ, phó trưởng ban chuyên trách HĐND và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cấp có đơn vị trực thuộc (cấp sở, ban, ngành tỉnh, cấp huyện và tương đương có các phòng, ban, chi cục... trực thuộc; cấp phòng, ban và tương đương thuộc sở, ban, ngành, huyện, thị có các đội trực thuộc mà cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập). 

Chủ tịch công ty, giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc), trưởng ban kiểm soát (kiểm soát viên), kế toán trưởng (tổng công ty) công ty nhà nước và công ty có vốn nhà nước chi phối.

Nội dung lấy phiếu tín nhiệm 

Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: Lập trường, quan điểm, tư tưởng chính trị trong thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng; việc chấp hành nguyên tắc, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tinh thần trách nhiệm trong công việc; thái độ phục vụ nhân dân; chấp hành sự phân công của tổ chức. Tính trung thực, động cơ trong sáng, công bằng, công tâm, khách quan, giữ vững nguyên tắc trong công việc; khả năng quy tụ đoàn kết nội bộ và tự phê bình, phê bình. Không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, trục lợi cá nhân; không biểu hiện suy thoái, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con về đạo đức, lối sống, chấp hành chính sách, pháp luật. Uy tín trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập cá nhân.

Năng lực thực tiễn: Kết quả lãnh đạo cụ thể hóa đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực được phân công. Tính năng động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành; năng lực dự báo, xử lý tình huống khó, phức tạp trong phạm vi phụ trách. Kết quả, chất lượng tham mưu, đề xuất về lĩnh vực được phân công phụ trách. Khối lượng, chất lượng, hiệu quả công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc trong phạm vi phụ trách. Kết quả lãnh đạo công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị; năng lực phát hiện, đào tạo, sử dụng người có đức, có tài trong công việc. Kết quả lãnh đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách.

Công khai và sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm

Công khai kết quả phiếu tín nhiệm: Kết quả phiếu tín nhiệm được công khai đối với tập thể và cá nhân sau: Thành phần tham gia ghi phiếu tín nhiệm của hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Tập thể lãnh đạo cấp trên trực tiếp (cấp có thẩm quyền quản lý, quyết định đối với cán bộ). Cá nhân cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm.

Cách thức công khai kết quả phiếu tín nhiệm: Việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố tại các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm có thành phần ghi phiếu tín nhiệm nêu trên.

Sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm: Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Những đồng chí có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Những đồng chí có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Cũng theo văn bản này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Đảng đoàn HĐND tỉnh; các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể tỉnh; doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối) căn cứ hướng dẫn xây dựng kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm các chức danh cán bộ thuộc cấp mình quản lý. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm theo phân cấp quản lý; tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy để tổng hợp, báo cáo).

BBT

  • Từ khóa
25080

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu