Thứ 3, 19/03/2024 11:26:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:33, 18/08/2019 GMT+7

Lấy đức dẹp loạn

Chủ nhật, 18/08/2019 | 13:33:00 220 lượt xem

BP - Bà Nhữ Thị Nhuận, hiệu là Diệu Huệ, người làng Hoạch Trạch (làng Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Bà là con gái thứ 2 của Thiềm sự Nhữ Tiến Duyệt, cháu nội tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng. Gia đình bà là một danh gia vọng tộc.

Bà lấy chồng là cử nhân Vũ Phương Đẩu người làng Mộ Trạch (huyện Bình Giang), làng nổi tiếng với 36 người đỗ tiến sĩ thời phong kiến. Thân phụ của bà là một lương y có tài. Nối nghiệp cha, bà rất sành về việc chế biến và sử dụng quế để chữa bệnh. Bia ghi công đức và gia phả còn ghi lại nhiều việc làm rất đáng trân trọng của bà cho quê hương. Đó là việc một lần bà được vua Lê Hiển Tông ban tiền, bạc để vào trấn Thanh Hoa tìm mua quế chữa bệnh cho hoàng thái hậu. Nhưng khi đến nơi, thấy người dân trong vùng bị nạn đói kém hoành hành, bà đã đem bán vàng bạc của nhà vua để mua thóc phát chẩn cho dân. Người dân vô cùng cảm động và nhớ mãi công đức của bà. Hết tiền mà việc được vua giao chưa làm xong, bà liền quay về quê nhà bán hết đồ đạc, tư trang để lấy tiền tiếp tục cuộc hành trình đi tìm một loại quế quý hiếm. Cuộc dò tìm vất vả và kéo dài nhiều ngày trong rừng sâu đã thành công khi bà tìm được quế quý. Với bài thuốc từ quế quý dâng lên mẹ vua, nhờ đó bệnh đau bụng kinh niên của hoàng thái hậu đã được chữa khỏi.

Ngày ấy, xứ Thanh Hoa vào cuối thế kỷ XVIII gặp hạn hán mất mùa, dân trong vùng nổi loạn ở nhiều nơi, triều đình đã 2 lần cử quan quân vào trấn dẹp nhưng vẫn không yên. Bà Nhuận hay tin ấy và đã khẩn khoản nhờ người anh họ là tiến sĩ Nhữ Đình Toản khi đó đang là quan tham tụng, với chức Thượng thư đã khởi tấu với chúa Trịnh cho bà vào dẹp. Khi bà vào đến nơi, dân chúng nhìn thấy cờ trướng mang tên hiệu NHỮ THỊ NHUẬN đã hô lớn: “Mẹ ta đã vào!”. Rồi bà đem gạo, vải phát cho người nghèo, kẻ du thủ du thực được bà khuyên điều hơn lẽ thiệt, cấp vốn và đưa về quê làm ăn, ai đã trót phạm lỗi lầm đều được tha bổng.

Kết quả sau chuyến đi này, dân xứ Thanh Hoa đã yên tâm bảo ban nhau làm ăn, nạn trộm cướp từ đó không còn nữa. Và với công tìm thuốc quý hiếm chữa bệnh cho triều đình, công cứu giúp người nghèo được các quan lại vùng Thanh Hoa trình tấu và công thân chinh đi dẹp loạn, bà Nhữ Thị Nhuận được nhà vua phong là “Quế hộ Thượng Quận phu nhân” - người có địa vị sánh ngang các hoàng thân quốc thích trong triều.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, cũng vào thời điểm đó, Sùng Khánh hoàng thái hậu là mẹ của vua Càn Long nhà Thanh mắc chứng nan y. Vua nhà Thanh đã cho mời tất cả danh y trong nước nhưng vẫn không chữa được bệnh tình của hoàng thái hậu. Và bài thuốc chế từ quế quý hiếm của nước Đại Việt do bà Nhuận làm ra được cống sang Bắc quốc đã là vị thuốc chính đẩy lui bệnh trong người bà hoàng thái hậu của nhà Thanh. Nhớ công của bà, vua Càn Long đã ban thưởng rất hậu, lại phong là “Lưỡng quốc Quế hộ Thượng thượng Quận phu nhân”.

Đình làng Mộ Trạch - quê chồng bà, thờ Vũ Hồn là Thành hoàng, đồng thời là thần tổ của họ Vũ vào thời ấy đã bị đổ nát. Năm 1757, bà xin với làng tự một mình đứng ra gánh vác việc xây dựng lại. Ngôi đình to đẹp vào bậc nhất tỉnh Hải Dương này tuy sau một vài lần sửa chữa, nhưng toàn bộ kiến trúc vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Đình làm xong, bà lại cúng 200 quan tiền và 20 mẫu ruộng vua ban cho bà để lấy hoa lợi chi dùng việc cúng tế hằng năm. Do bà không có con trai, gia đình bà bên Hoạch Trạch lại thuộc hàng danh gia vọng tộc nên dân làng đã tôn vinh bà là hậu thần. Khi bà mất được dân làng lập bia ghi công đức. Dân làng còn lập ban thờ bà ở bên phải tòa thiên hương phía trước hậu cung. Mộ của bà đặt gần mộ thần tổ Vũ Hồn. Tấm lòng nhân hậu của bà Nhữ Thị Nhuận là một hiện tượng văn hóa đặc sắc của xứ Đông. Hằng năm, giỗ của bà vào ngày 30 tháng 7.

Lời bàn:

Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, sau khi chiến thắng quân Minh, Bộ chỉ huy Lam Sơn không những tha chết cho quân tướng của nhà Minh là “Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho 500 chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc; Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run”. Về vấn đề này, có người cho rằng, việc tha chết cho quân Minh chỉ là do vua quan Đại Việt thời đó muốn yên ổn, nhưng sự thật không phải như vậy. Trong lịch sử nước ta đã có rất nhiều lần người Việt đánh bại quân xâm lược mà không hề chùn bước vì muốn yên ổn. Hơn nữa, mối thù sâu đậm “trúc Nam Sơn không ghi hết tội” do quân Minh gây ra không phải chỉ cần mấy chữ “muốn yên ổn” là có thể xóa nhòa được. Mà muốn dùng đức cảm hóa nhân tâm thì thật sự cần phải có được sự vị tha và tấm lòng đại nghĩa.

Và mục đích của người xưa để lại trong giai thoại này là để hậu thế hiểu rằng: Dùng bạo lực để khuất phục lòng người thì khiến người quy thuận vì sợ hãi cường quyền, chứ tâm vẫn luôn tìm cách chống đối. Còn dùng đức sẽ khiến người cảm phục mà quy thuận. Vâng, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và muốn vậy thì phải “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo”, là cách làm của những bậc thánh nhân, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.

N.D

  • Từ khóa
110220

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu