Thứ 7, 20/04/2024 08:28:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:31, 03/02/2013 GMT+7

Lập thân, lập nghiệp trên vùng đất khó

Chủ nhật, 03/02/2013 | 15:31:59 337 lượt xem

Thanh An là xã nhiều khó khăn của huyện Hớn Quản. Trong những năm qua, tuổi trẻ xã Thanh An đã đẩy mạnh phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều thanh niên tiên tiến, điển hình, thể hiện được tinh thần năng động, dám nghĩ, biết làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Dám nghĩ, dám làm

Anh Lê Đình Công

Ở tuổi 29 nhưng anh Lê Đình Công ở ấp Thanh Sơn đã có khá nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt. Từ vườn tiêu già cỗi trên 1 ha đất, anh mạnh dạn chuyển đổi để trồng cà phê cao sản. Anh Công nhớ lại ngày đầu mới trồng cà phê, năng suất, sản lượng còn thấp mặc dù đã được đầu tư, chăm sóc kỹ. Anh tự mày mò, tìm hiểu tài liệu và trao đổi với những người trồng cà phê nhiều kinh nghiệm để ai có giống tốt thì giới thiệu. Năm 2009, anh thử nghiệm trồng nhiều loại giống cà phê. Thời gian đầu, anh tâm đắc với giống cà phê mít, môka. Tiền lãi thu về từ vườn cà phê, anh tiếp tục mở rộng diện tích đất trồng với nhiều loại cây như cao su, tiêu.

Đến nay, anh Công đã có gần 3 ha cao su, cà phê và 1.000 nọc tiêu cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm anh thu lãi không dưới 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh Công còn học hỏi, nghiên cứu phương pháp ủ phân hữu cơ. Anh chia sẻ, những lần đi chở củi thuê trong xã, thấy người ta đốt bỏ tro đi nhiều, anh mua về trộn với phân chuồng kết hợp với men vi sinh Trichoderma. Phân ủ khoảng hơn 1 tháng đem bón cho cả ba loại cây trong vườn. Với phương pháp ủ như trên, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các loại phân vô cơ trên thị trường, lại vừa cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, mỗi năm cũng tiết kiệm được gần 10 triệu đồng tiền phân bón.

Không chỉ là tấm gương điển hình thanh niên sản xuất -  kinh doanh giỏi, anh Công còn là Bí thư chi đoàn ấp Thanh Sơn năng nổ, nhiệt tình. Theo anh, để thanh niên nông thôn có điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp thì phải có vốn, đồng thời các cấp bộ đoàn cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Vượt lên tật nguyền

Anh Phạm Thành Luân

Khi mới sinh ra, Phạm Thành Luân ở ấp An Hòa đã mang đôi chân tật nguyền, lớn lên chân càng teo lại nên mọi sinh hoạt, đi lại rất bất tiện. Không mặc cảm, Luân quyết tâm học tập, mong ước trở thành người thầy giáo giỏi truyền đạt kiến thức cho những trẻ em nghèo trong ấp. Tuy nhiên, giữa năm lớp 10, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Luân xin cha mẹ cho phép nghỉ học. Không có sức khỏe, vốn liếng, Luân quyết định chọn học một nghề phù hợp. Năm 2008, khi Xã đoàn Thanh An mở lớp học nghề sửa điện thoại, Luân là người đăng ký học đầu tiên. Vừa học nghề vừa làm thuê tại các tiệm điện tử, Luân luôn tiết kiệm để mua sắm đồ nghề. Anh góp nhặt từng ngày, cứ như vậy, sau hai năm Luân đã mở được tiệm sửa điện thoại nhỏ ngay tại nhà với thu nhập ổn định.

Những bước đi tự lập nhiều gian truân nhưng với Luân lại là niềm vui, niềm tự hào khi tự mình đứng vững trên đôi chân tật nguyền. Anh tâm sự: “Tôi không cảm thấy mặc cảm bởi sự khuyết tật của bản thân, quan trọng là mình có dám vượt lên để chiến thắng hay không. Giờ đây, có nghề trong tay, tự nuôi được bản thân và phụ giúp cho gia đình phần nào, tôi thấy vui lắm”.

Khâm phục trước tấm gương vượt khó của Luân, nhiều người, trong đó có cả những người khuyết tật tìm đến tiệm anh để học nghề. Bởi khi đến đây, họ không chỉ học nghề để tự nuôi sống bản thân, mà còn được hòa nhập và sẻ chia. Thời gian rảnh rỗi, Luân tham gia các hoạt động của Đoàn thanh niên, vận động các bạn trẻ gia nhập vào tổ chức đoàn, giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

 Làm giàu từ nghề mộc

Anh Lê Quang Duyên

Sinh ra trong một gia đình làm nghề mộc, anh Lê Quang Duyên ở ấp Thanh Sơn ngay từ nhỏ đã được tiếp thu những kiến thức cơ bản về gỗ và cách chế tác các sản phẩm đồ gỗ dân dụng. Để phát triển tay nghề và mở rộng quy mô xưởng mộc của gia đình, anh đi khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ xin làm thêm trong các xưởng mộc lớn. Trong quá trình làm việc, anh luôn chăm chỉ học hỏi và tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng. Năm 2009, trở về quê, với số vốn tích góp được, anh đầu tư thêm máy móc chuyên dụng như: máy cưa, các loại máy bào, khoan... Các sản phẩm mộc của xưởng do anh làm chủ ngày càng phong phú, mẫu mã đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện anh có 2 xưởng mộc chuyên đóng giường, tủ và bàn trang điểm, với thu nhập trung bình trên 400 triệu đồng/năm.  

Nhiệt huyết, đam mê với nghề, anh Duyên còn sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho những người có nhu cầu học nghề mộc và tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động ở địa phương với thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh Duyên đang nuôi thử nghiệm 20 con chim trĩ tại gia đình. Với giá trên thị trường như hiện nay là 120 ngàn đồng/con chim trĩ mới nở và 50 ngàn đồng/trứng chim trĩ, đây cũng là mô hình phát triển kinh tế mới đáng để thanh niên tham quan, học hỏi.

Anh Đinh Văn Tĩnh, Bí thư Xã đoàn Thanh An cho biết, để tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn lập nghiệp ngay tại xã, góp phần xây dựng nông thôn mới, đoàn cấp trên và chính quyền các cấp cần quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay cho thanh niên. Việc xây dựng làng nghề cho đoàn viên thanh niên địa phương rất cần thiết, đây chính là điều kiện quan trọng giúp lao động nông thôn có thể bám trụ, lập nghiệp. Từ năm 2008 đến nay, xã đoàn phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, Trung tâm đào tạo nghề huyện Hớn Quản, trường dạy nghề Tôn Đức Thắng... mở được 14 lớp dạy nghề miễn phí cho 429 học viên tham gia. Qua chương trình đào tạo nghề, đã giải quyết việc làm tại chỗ và giới thiệu việc làm cho hơn 200 thanh niên.

Thanh Thủy

  • Từ khóa
81233

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu