Thứ 6, 19/04/2024 22:11:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:48, 15/09/2017 GMT+7

Lão nông “đặc trị” bệnh vàng lá, thối rễ cây tiêu

Thứ 6, 15/09/2017 | 14:48:00 2,608 lượt xem
BP - Chứng kiến những vườn tiêu của nông dân trong vùng bị bệnh vàng lá, thối rễ dẫn đến chậm lớn và chết dần sau vài tháng, ông Cao Văn Ruyến (61 tuổi, ở ấp 6, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài) đã tìm ra phương thuốc “đặc trị” bệnh này. Đó là từ than củi, tro và một số chất phụ gia (phân hữu cơ và một ít thuốc bảo vệ thực vật). Nhờ đó, nhiều vườn tiêu của người dân đã hết bệnh và phát triển xanh tốt, cho năng suất cao.

Thuốc “đặc trị” bệnh cho tiêu

Năm 2011, ông Ruyến đưa gia đình đến Bình Phước lập nghiệp. Ban đầu, ông xin vào làm trong công ty sản xuất - kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, trong quá trình bán sản phẩm, ông nhận thấy một số loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không phát huy hiệu quả trị bệnh, đặc biệt là bệnh vàng lá, thối rễ trên cây tiêu, gây tốn kém cho người dân. Sợ ảnh hưởng đến uy tín cũng như làm thiệt hại cho người nông dân nên ông xin nghỉ việc.

Ông Cao Văn Ruyến (người ngồi) kiểm tra cây tiêu sau khi được chữa trị

Thời gian này, ông Ruyến luôn nghĩ phải tìm ra một loại thuốc trị bệnh cho cây tiêu, vừa tiết kiệm chi phí vừa đem lại hiệu quả. Sau nhiều lần thất bại đến năm 2014, ông đã tìm ra phương thuốc đặc trị bệnh vàng lá, thối rễ trên cây tiêu từ những nguyên liệu sẵn có như than củi và tro củi kết hợp một số chất phụ gia (phân hữu cơ và một ít thuốc bảo vệ thực vật). Ông Ruyến cho biết, tro và than củi chứa nhiều nguyên tố như kali, can xi, magiê, sắt, phốt pho, lưu huỳnh... Tro và than có thể thay thế phân phốt pho và phân kali. Tro và than không diệt được sâu bệnh nhưng cả hai đều tạo ra một môi trường “khó nhằn” cho sâu bệnh, giúp lá trở nên cứng cáp. Bên cạnh đó, chúng còn giúp thoát nước nhanh và tăng độ pH trong đất. Tro và than có tác dụng tiêu độc, giữ độ ẩm cung cấp ngược lại cho cây khi gặp thời tiết nắng nóng. Chỉ cần 1kg than hay tro là giữ được khoảng 3 lít nước, từ đó góp phần tiêu diệt mầm bệnh ở gốc và rễ, tạo điều kiện cho rễ phát triển.

Cách làm rất đơn giản là dùng máy đào 4 lỗ xung quanh gốc tiêu bị bệnh rộng 15cm, sâu 80cm. Sau đó, đổ đầy tro hay than củi đã được nghiền nhỏ vào mỗi hố khoảng 2,2kg. Tiếp theo dùng hỗn hợp do ông Ruyến tự pha chế từ phân hữu cơ và một ít thuốc bảo vệ thực vật pha với 200 lít nước xịt vào thân, gốc cây để vệ sinh gốc (mỗi gốc xịt 5 lít), sau đó vun gốc đường kính 40cm nhằm giúp thoát nước nhanh trong mùa mưa. Tuyệt đối không được phun khi trời mưa. Sau 3 ngày, bón phân cho tiêu bị bệnh, mỗi gốc 2kg phân hữu cơ kết hợp 0,4kg NPK và tưới nước.

Trong quá trình chờ tiêu hết bệnh cần phun phân bón lá định kỳ để hỗ trợ phục hồi nhanh. Trong 10 tuần không bón bất cứ loại phân nào, chỉ tưới nước để giữ độ ẩm cho cây khi trời nắng nhằm đảm bảo rễ phát triển. Sau 30 ngày rễ tiêu sẽ khỏi bệnh và mọc rễ mới. Theo tính toán của ông Ruyến, loại thuốc này rất dễ kiếm, có giá thành khoảng 20 ngàn đồng/gốc tiêu bị bệnh, trong khi các loại thuốc khác giá cao gấp 3-4 lần/gốc tiêu.

Nông dân vui vì tiêu hết bệnh

Dù chưa được công bố trên thị trường nhưng phương pháp của ông Ruyến đã được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh áp dụng chữa bệnh cho cây tiêu thành công. Chỉ cho chúng tôi xem từng gốc tiêu, ông Hoàng Văn Bình ở thôn Bình Thắng, xã Đa Kia (Bù Gia Mập) cho biết: “Trước kia, cả vườn tiêu của gia đình tôi bị bệnh vàng lá (biểu hiện của bệnh chết chậm) và bệnh thối rễ, tốn nhiều tiền mua phân bón, xử lý đủ loại thuốc nhưng không hiệu quả. Được sự hướng dẫn của ông Ruyến về kỹ thuật và thuốc xử lý thử, không ngờ chỉ sau một thời gian ngắn cây tiêu dần phục hồi rồi phát triển xanh trở lại”. Cũng bị bệnh vàng lá, thối rễ mặc dù ông Dương Văn Cù ở thôn 6, xã Đa Kia dùng rất nhiều loại thuốc để xử lý nhưng bệnh không giảm khiến vườn tiêu đang xanh mướt dần rũ lá hàng loạt. Nhờ được ông Ruyến lên tận nơi để trị bệnh cho 80 gốc, sau hơn 1 tháng vườn tiêu đã hết bệnh và phát triển xanh tốt.

Ông Phan Văn Nhẹ, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới xã Đa Kia, cho biết: Hiện hợp tác xã có 128 thành viên, sản xuất chủ yếu điều và tiêu. Trong quá trình sản xuất, các thành viên gặp rất nhiều khó khăn trong trị bệnh, nhất là bệnh vàng lá, thối rễ trên cây tiêu. Được sự hướng dẫn của ông Ruyến nên nay nhiều vườn tiêu của người dân đã hết bệnh, phát triển xanh tốt. Cách làm của ông Ruyến rất đơn giản, vừa tiết kiệm chi phí vừa tăng hiệu quả trị bệnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng phương thuốc của ông Ruyến nhằm hướng đến canh tác tiêu an toàn và bền vững”.

Trường Giang

  • Từ khóa
42032

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu