Thứ 6, 19/04/2024 03:26:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:17, 23/08/2017 GMT+7

Lão keo kiệt

Thứ 4, 23/08/2017 | 15:17:00 261 lượt xem

BP - Lão keo kiệt lắm, đến mức tiền đóng học đầu năm của các con cũng lấy từ bà ngoại - mẹ vợ. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu gửi ngân hàng bấy nhiêu. Tối nào lão cũng nhắc con gái nấu thêm chén gạo để có cơm nguội chiên muối ăn bữa sáng, bữa trưa thường trực 2 con cá nục và tô canh rau. Lão thường xuyên nói con gái út mỗi khi ra vườn: “Đừng hái sát rễ rau mồng tơi! Để lại ít lá, vài bữa cây ra lá non lại được bữa canh”... Lão keo kiệt lắm, đến mức trong nhà sắm được cái gì đặt y chỗ, chục năm sau không xê dịch, không vết bụi, không hư hỏng. Nhiều người trong thôn học theo lão, muốn bằng cách này giúp bản thân, gia đình chi tiêu hợp lý, tiết kiệm được tiền và cuộc sống khá giả hơn. Nhưng ai cũng phải buông, vì: Theo lão mệt lắm!

Gặp lại lão sau 3 tháng, tôi quá đỗi bất ngờ khi cơ thể cường tráng từng bắp thịt của lão bỗng gầy tong teo, nước da đỏ au, rắn rỏi trở nên vàng bủng? 30 năm sống cùng cha mẹ, cạnh nhà lão, chưa bao giờ tôi thấy “người đàn ông khỏe nhất vùng Trũng” bị bệnh phải uống thuốc. Vậy mà trông lão giờ như quá kiệt sức, có thể ngã gục bất cứ lúc nào.

Cả nhà đang chuẩn bị đồ cho chúng tôi trở lại thị xã, bỗng nghe tiếng gào khóc của bé út nhà lão. Cha tôi chạy ào ra cổng, mẹ cũng buông vội túi đồ chạy theo. Tôi ngó qua cửa thấy nhiều người chạy về hướng nhà lão... Lão chết, ngay sau khi đến vựa ve chai uống chén nước chè.

Người đi đưa đám lão đông lắm, kéo dài cả kilômét ngoài quốc lộ. Thường ngày mọi người hay cười lão mà giờ ai cũng buồn đau. Nhiều người vốn không thích lão, thậm chí ghét lão hôm nay lại khóc. Tôi hoãn chuyến đi ở lại phụ bé út nấu nước, rửa chén. Đang nhặt rau với em thì nghe các cụ trong thôn trò chuyện: “Trước khi “đi” mươi ngày nó tìm đến mấy hộ được xây nhà tình thương. Không phải để uống nước chè... mà giúp làm điện. Làm ban ngày, làm cả buổi tối, hoàn thành 3 nhà nó mới “đi”. Nó chẳng lấy tiền của ai... Trời ơi! Cái thằng này sao mà khổ thế!”... Tôi ngồi im như tượng, nhìn bé út cố ngăn dòng nước mắt ứa dài trên mặt. Phải, tôi cũng như bao người trong thôn không thấy được: “Chú la cà các gia đình nghèo khó, neo đơn chỉ là xem ai có khó khăn gì để làm giúp. Chú để mẹ vợ chi tiền học cho các con vì đó là niềm vui duy nhất của bà. Còn việc chú chắt bóp gửi tiền vào ngân hàng chỉ để mở tài khoản cho mẹ vợ phòng thân lúc không còn sức khỏe”...

Lên xe về thị xã, tiết trời chuyển nắng hanh hao. Tôi vẫn thường nhắc nhở bản thân: “Càng lên cao, chân trời càng xa, tầm mắt càng rộng”. Phải chăng, cứ mải miết đuổi theo hư danh và những điều viển vông nên tôi không nhận ra một hiện thực quá đơn giản, rằng: Cuộc đời của bất kỳ ai cũng nên luôn vì mọi người, chứ đừng chỉ vì bản thân. Để khi thân xác về với cát bụi chúng ta vẫn còn mãi trong lòng người ở lại.

C.Thơ

  • Từ khóa
93151

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu