Thứ 7, 20/04/2024 13:19:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:33, 10/10/2017 GMT+7

Lão già kỳ quặc

Thứ 3, 10/10/2017 | 13:33:00 890 lượt xem

BP - Theo các nhà nghiên cứu văn học dân gian, trong quá trình sống gần gũi với tự nhiên và chưa hoàn toàn tách mình ra khỏi tự nhiên, người cổ đại từng quan sát, tìm hiểu các con vật để dễ săn bắt và tự vệ. Khi con người có ý thức mượn chuyện loài vật để nói về con người thì truyện ngụ ngôn bắt đầu xuất hiện. Vì thế, ngụ ngôn là một thể loại của văn học giáo huấn, mang nội dung đạo đức và được kể trong dân gian bằng văn xuôi hay thơ, mượn chuyện kể về loài vật, đồ vật, cây cỏ... làm ẩn dụ hoặc chuyện con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện đời, chuyện người, nhằm nêu lên bài học luân lý. Mẩu chuyện dưới đây là một ví dụ:

Minh họa: S.H

Chuyện kể rằng, ở một vùng có một phụ nữ hằng ngày thường hay nướng bánh mì cho gia đình và bà ta luôn làm dư một cái để lại cho người nghèo đói. Khi nào làm xong, bà lại để ổ bánh mì dư trên thành cửa sổ cho người nghèo đi qua dễ lấy. Ngày qua ngày cứ đến buổi thì lại có một ông lão gù lưng đến lấy ổ bánh mì đi. Nhưng thay vì nói lời cảm ơn, ông ta lại vừa đi vừa lẩm bẩm những lời như niệm chú: Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi.

Và điều này cứ diễn ra từ ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày, ông lão đến lấy bánh và lại lẩm bẩm câu: Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi.

Ngày qua ngày, người phụ nữ kia nghe mãi câu nói ấy rồi dần dần trở nên bực bội trong lòng và bà ta nghĩ: Nhận được bánh, không biết cảm ơn mà còn lải nhải mấy lời nói khó chịu kia! Hắn ta muốn ám chỉ điều gì đây?

Rồi một hôm, chịu hết nổi, bà nghĩ cách làm cho ông già đi khuất mắt mình với những câu lải nhải khó nghe. Bà tự nhủ: Ta sẽ làm cho hắn mất dạng khỏi vùng đất này càng sớm càng tốt. Nghĩ vậy và bà ta đã trộn thuốc độc vào ổ bánh mì dư rồi để ổ bánh mì có thuốc độc lên thành cửa sổ, nhưng ngay lúc đó bà ta bỗng cảm thấy hốt hoảng: Ta làm gì thế này?

Và ngay lúc đó, bà ta vội cầm ổ bánh mì có thuốc độc ném vào lửa và thay một cái bánh khác lên thành cửa sổ. Cũng như mọi khi, đến giờ ông lão kia lại đến lấy bánh và vẫn tiếp tục lẩm bẩm: Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi.

Hôm ấy, ông lão cầm ổ bánh vui vẻ rời đi như mọi ngày và khi ấy không một ai hay biết rằng trong lòng người phụ nữ vừa trải qua một trận chiến dữ dội. Và cũng có một điều mà không ai biết đó là mỗi khi đặt ổ bánh mì cho người nghèo lên thành cửa sổ, bà lại cầu nguyện cho đứa con trai đi tìm việc làm ở xa, nhưng đã nhiều tháng nay không nhận được tin tức gì của con. Bà nguyện cho con trở về nhà bình an, mạnh giỏi.

Buổi chiều hôm đó, có tiếng gõ cửa, khi mở cửa ra, bà ngạc nhiên thấy con trai mình đứng trước cửa... Anh ta gầy xọp, quần áo anh rách rưới đến thảm hại. Anh ta đói lả và mệt. Khi trông thấy mẹ, anh ta nói: Mẹ ơi, con về được đến nhà quả là một phép lạ. Khi con còn cách nhà mình cả dặm đường, con đã ngã gục vì đói, không đi nổi nữa và tưởng mình sẽ chết dọc đường, nhưng bỗng có một người gù lưng đi ngang, con xin ông ta cho con một chút gì để ăn. Ông ta đã quá tử tế cho con nguyên một ổ bánh mì ngon và chút nước. Ông ta nói: Đây là cái mà tôi có mỗi ngày, nhưng hôm nay tôi cho anh vì anh cần nó hơn tôi!

Người mẹ nghe con trai nói xong, mặt bà biến sắc. Bà phải dựa vào thành cửa để khỏi ngã. Bà nhớ lại ổ bánh mì có thuốc độc mà bà đã làm sáng hôm nay. Nếu bà không ném nó vào lửa thì con trai yêu quý của bà đã ăn phải và chết!

Ngay lập tức bà nhớ lại câu nói lặp đi lặp lại qua ngày của ông lão...

Lời bàn:

Cho đến ngày nay, không ai biết rõ rằng truyện ngụ ngôn xuất hiện trong đời sống nhân loại vào năm nào, nhưng điều mà mọi người đều biết đặc điểm và cấu trúc của truyện ngụ ngôn từ khi xuất hiện đến nay rất ít biến đổi. Đó là cốt truyện ngụ ngôn bao giờ cũng ngắn gọn, hàm súc, giàu sức biểu hiện, bộc lộ bản chất của đối tượng và hình thức phúng dụ luôn trợ giúp đắc lực cho sự thuyết minh tính cách của nhân vật trong truyện ngụ ngôn. Đồng thời, bài học đạo đức trong tác phẩm bao giờ cũng toát ra từ việc chế giễu các tính cách và đặc điểm tiêu cực nào đó của con người. Tuy vậy, truyện ngụ ngôn không chỉ có ý nghĩa giáo dục về đạo đức, nhân cách và lối sống, mà còn ít nhiều có ý nghĩa triết lý về nhận thức luận hoặc chính trị, về xã hội đương thời.

Trong cuộc sống luôn tồn tại luật nhân quả. Những gì bạn làm hôm nay là căn nguyên cho những sự việc sẽ đến với bạn trong tương lai. Và đừng ai mong người khác chia sẻ với mình những khi rủi ro mà trước đó lại không bao giờ chịu chia sẻ với người xung quanh về những điều may mắn. Khi làm bất cứ việc gì, cần phải có chủ kiến của mình và suy nghĩ chín chắn để có được cách làm đúng đắn. Bởi vậy, mọi người hãy luôn luôn sống tốt với nhau và không bao giờ phải hổ thẹn với lương tâm của chính mình.

N.D

  • Từ khóa
109969

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu