Thứ 5, 25/04/2024 08:05:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:54, 29/11/2017 GMT+7

Lan tỏa phong trào hiến máu đến đồng bào DTTS

Thứ 4, 29/11/2017 | 15:54:00 87 lượt xem

BP - “Mấy năm trước, đồng bào mình không đi hiến máu đâu. Vì ông trời cho mình giọt máu mà mình đem cho người khác thì ông trời sẽ bắt tội, phạt ốm đau, bệnh tật. Rồi sau này thấy mình đi hiến máu về khỏe mạnh, lại được khám sức khỏe, phát hiện ra bệnh nên thanh niên trong sóc cũng rủ nhau đi. Giờ sóc có khoảng 10 người đều là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hiến máu thường xuyên” - anh Điểu Phên, tổ 2, ấp Sóc Bưng, xã Thanh Phú (Bình Long) chia sẻ.

Không có tiền thì  cho máu

Nhìn dáng người nhỏ nhắn của anh Điểu Phên, ít ai nghĩ anh đã 20 lần hiến máu cứu người. Anh Phên không có nghề nghiệp ổn định nên đi phụ hồ, mùa vụ thì ai thuê gì làm nấy. Tài sản của gia đình chỉ hơn 1 sào đất trồng tiêu, thu nhập mỗi vụ chỉ dư được vài triệu đồng. Vậy mà từ năm 2007 đến nay, anh chưa bỏ đợt hiến máu nào. Những buổi đi làm xa, có thông báo hiến máu là anh tranh thủ đi rồi về làm tiếp.

Nhờ có cách vận động hiệu quả mà ngày càng nhiều đồng bào DTTS vùng sâu, xa của xã Thanh Phú tham gia hiến máu

Anh Phên tham gia hiến máu và gắn bó với nghĩa cử cao đẹp này từ sự động viên của mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Tuyết (56 tuổi). Bà Tuyết cho biết, trước đây trong ấp chưa có nhiều người biết đến hoạt động hiến máu, mỗi lần có đợt bà đạp xe hàng chục cây số ra trung tâm thị xã, hiến máu xong lại đạp xe về. Mỗi lần hiến máu về bà vẫn đi làm bình thường nên vận động con gái, con rể cùng đi. Một năm mẹ con bà đều đặn 3 lần đi hiến máu.

Mình có 20 chiếc thẻ hiến máu rồi đó. Mình nghèo không có tiền cho người bệnh thì cho máu. Mỗi lần hiến máu mình còn được khám sức khỏe định kỳ. Có thanh niên trong sóc nhờ mình vận động đi hiến máu mới biết trong người có bệnh nên kịp thời uống thuốc. Đầu năm nay mình rất vui vì được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc tham gia hiến máu nhiều lần.

Anh Điểu Phên, tổ 2,  ấp Sóc Bưng, xã Thanh Phú

Bà Phạm Thị Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thanh Phú cho biết: “Vài năm trước, vận động đồng bào DTTS đi hiến máu rất khó. Vận động một thành viên phải có sự đồng ý của cả gia đình. Vì vậy, các cuộc họp ở ấp, sóc tôi đều tranh thủ xin 10-15 phút để lồng ghép tuyên truyền, lấy gương người Kinh ngay cạnh nhà đã hiến máu nhiều lần mà sức khỏe vẫn tốt, hằng ngày vẫn đi làm rẫy, kinh tế khá giả thì đồng bào mới tin và làm theo. Tiếng nói của già làng, người có uy tín trong ấp, sóc rất quan trọng. Mình giải thích cho già làng hiểu ý nghĩa của việc hiến máu cứu người không làm giảm mà còn được khám sức khỏe định kỳ. Khi già làng hiểu sẽ nói con cháu, người dân trong sóc cùng đi. Nhờ vậy phong trào hiến máu mới lan tỏa, ngày càng nhiều đồng bào DTTS vùng sâu, xa tham gia”.

Sợ hết tuổi hiến máu

Xuất phát ban đầu từ một vài cá nhân riêng lẻ, giờ đây phong trào hiến máu ở xã Thanh Phú đã thu hút nhiều người tham gia. Mỗi cá nhân đã hiến máu lại trở thành tuyên truyền viên tích cực cho phong trào, vận động thêm nhiều người cùng tham gia. Từ đó phong trào phát triển từ cá nhân sang gia đình.

Năm 2016, Ban chỉ đạo vận động hiến máu thị xã Bình Long giao chỉ tiêu xã Thanh Phú 80 đơn vị máu. Kết quả có 270 người, thu được 207 đơn vị máu. Trong đó có 51 người đi hiến máu nhiều lần, nhiều cá nhân hiến trên 30 lần. Các gia đình đều có từ 2-6 người tham gia hiến máu. Hội Chữ thập đỏ xã Thanh Phú đã thành lập được một đội hiến máu dự bị gồm 18 thành viên, sẵn sàng hiến máu khi cần thiết. Điển hình như bà Trần Thị Thùy Nhanh, ấp Thanh Xuân 38 lần hiến máu. Tham gia phong trào hiến máu từ khi vừa triển khai trên địa bàn, giờ đây dù đã lớn tuổi, thỉnh thoảng bị “chê” không đủ sức khỏe nhưng bà Nhanh vẫn nhiệt tình đều đặn tham gia các đợt hiến máu.

Năm 2017, tính đến cuối tháng 10, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức 39 đợt hiến máu tình nguyện, thu được 11.445 đơn vị máu, đạt 117,8% kế hoạch đề ra cả năm. Một số đơn vị đạt kết quả cao như thị xã Phước Long, Đồng Xoài, Bình Long; Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh và huyện Bù Đốp. Bình Phước được Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện Trung ương đánh giá là một trong 10 tỉnh, thành có tỷ lệ dân số tham gia hiến máu đạt từ 1,5% trở lên.

Bà Nhanh cho biết: “Năm 2000, đi vận động người dân nhưng bản thân chưa hiểu nhiều về hiến máu nên cảm thấy sợ. Nhưng nghĩ mình là cán bộ đi đầu, hiến máu lại có thể cứu được người khác nên cảm giác đó dần tan biến. Sau lần hiến máu đầu tiên năm 2003, tôi “nghiền” hiến máu hồi nào không hay. Một năm không đi hiến vài lần là cơ thể thấy khó chịu. Hồi mới hiến máu ông nhà tôi la dữ lắm, vì lúc đó tôi khá nhỏ chứ không mập như bây giờ. Sau thấy vợ khỏe mạnh nên ông mới yên tâm để cho tôi đi”. Giờ mỗi lần đi hiến máu, bà Nhanh không còn lẻ loi vì có 10 thành viên trong gia đình, gồm anh chị em, con cháu và người dân trong ấp cùng đi. Gia đình bà có tổng cộng 70 lần hiến máu.

Còn gia đình bà Lê Thị Viễn (58 tuổi), ấp Phú Thành có tổng 90 lần hiến máu. Bà Viễn có 6 người con thì 5 người cùng mẹ tham gia hiến máu. “Mỗi lần đi hiến máu tôi rủ một đứa con cùng đi nên giờ cứ có đợt vận động là cả nhà chở nhau. Trước đây, tôi làm nghề bán sữa đậu nành, có hôm đang đi bán thấy mọi người tập trung đông hiến máu, tôi cũng dựng xe vào chờ hiến máu xong rồi đi bán tiếp. Mình là nông dân, có sức khỏe dẻo dai, góp chút máu không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn giúp được nhiều người nên không việc gì ngần ngại. Các con tôi đều thấy việc hiến máu tình nguyện là nhân văn, ý nghĩa nên đứa nào cũng hăng hái. Chỉ sợ sau này lớn tuổi, chất lượng máu không đủ để hiến nữa thì buồn lắm!” - bà Viễn nói.

Ngân Hà

  • Từ khóa
59919

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu