Thứ 5, 25/04/2024 22:04:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:14, 27/02/2015 GMT+7

Lan man chuyện cái tên

Thứ 6, 27/02/2015 | 14:14:00 213 lượt xem
BP - Mang bầu đứa con thứ hai mới được năm tháng, khi biết chắc chắn giới tính thai nhi là trai, bố mẹ chồng cô cháu họ của tôi bắt đầu “chiến dịch” chọn tên cho đứa cháu đích tôn vàng ngọc của mình. Ông nội của bé tuyên bố sẽ chọn một cái tên thật oách, chỉ cần đọc lên đã để lại ấn tượng khó quên. Và ông chọn tên Hùng Dũng - Nguyễn Lê Hùng Dũng. Còn bà nội của bé vốn hâm mộ mấy “sao” ca nhạc thì khẳng định sẽ đặt tên cháu là Nguyễn Lê Thái Sơn. Chẳng ai đếm xỉa đến bố mẹ của bé muốn đặt tên con thế nào!

Đặt tên cho con là quyền chung nhất của bậc làm cha mẹ, bất luận là người quyền quý hay dân thường, người nhiều chữ hay kẻ ít học. Khi chọn tên cho con, cha mẹ nào cũng ước muốn nhìn thấy ở con mình một đức tính, một tài năng nào đó. “Tên hay thời vận tốt”. Đó là câu nói quen thuộc đề cao giá trị một cái tên hay. Và trên thực tế đã có những nghiên cứu cho thấy những người mang tên hay, tên đẹp thường có cuộc sống tốt. Tuy nhiên, không ít trường hợp con cái chẳng xứng chút nào với cái tên cha mẹ đã kỳ vọng đặt cho. Đôi khi những người mang tên có ý nghĩa sáng láng như Anh Minh, Thông Thái, Bác Học... thì lại học hành kém cỏi, thi đâu trượt đó. Rồi những cái tên rất hiền, rất thiện như Thiện Tâm, Thánh Thiện... lại là của những kẻ giết người, lừa đảo!

Ngày xưa, chỉ cần nghe tên người ta đã có thể phân biệt được giới tính. Mặc nhiên con gái thì được lót là Thị và tên thường thể hiện sự mềm mại, nhẹ nhàng của các loài hoa như Hồng, Cúc, Đào, Mai hoặc Thúy, Liễu, Ngọc... Con trai thì được lót là Văn, Đình, Đức... và tên thường thể hiện sự mạnh mẽ, khỏe khoắn như Trung, Đức, Nghĩa, Dũng, Sơn...Thế nhưng bây giờ nghe tên người ta không thể nào phân biệt được nam hay nữ. Có những cái tên nghe rất menly nhưng là của một nữ nhi. Ngược lại những cái tên rất yểu điệu lại là của một đấng mày râu. Rồi xu hướng lấy cả họ cha, mẹ ghép lại đặt cho con; hoặc những cái tên dài thòng. Cách đây không lâu, báo chí đưa tin một gia đình ở huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) đặt tên 3 đứa con đều có 7, 8 âm tiết. Thi thoảng chính quyền địa phương phải mời các con ông này lên yêu cầu sửa tên cho ngắn lại, bởi nhiều loại giấy tờ không đủ chỗ ghi tên. Thế nhưng thủ tục đổi tên không hề đơn giản, phải có sự đồng ý của Sở Tư pháp bởi nó liên quan đến rất nhiều giấy tờ khác.

Thời gian gần đây lại rộ lên xu hướng đặt tên con nửa tây nửa Việt hoặc tên mang hơi hướng Trung Hoa như Trì Nghiêm, Vỹ Đình, Dịch Phong, Tư Viễn... Có gia đình cha mẹ đều là người Việt nhưng tên con cứ phải kèm một tý Tây. Kiểu như con gái thì cứ phải Anna, Jenny, Mary... Con trai thì cứ phải Tony, Harry, David... rồi mới đến tên Việt phía sau. Có những gia đình chỉ vì chuyện đặt tên cho con cháu mà thành mâu thuẫn lớn khi ông bà thường cố gìn giữ những giá trị Việt, còn bố mẹ lại hướng tới sự hội nhập, ngoại lai.

Sống ở đời, người ta có thể không nghề nghiệp, không nhà cửa, không bè bạn, thậm chí không vợ (chồng) con nhưng ai cũng phải có một cái tên để gọi. Trong giao tiếp, thường phải giới thiệu tên trước rồi mới đến nghề nghiệp, chức tước. Dù là tên đẹp hay xấu cũng phải dùng suốt cuộc đời. Nhớ thương nhau thì thầm gọi tên nhau. Ghét bỏ nhau cũng mang tên ra mà réo. Và trong khi nhiều người chỉ lo tích lũy thật nhiều của cải mong để lại cho con cháu thì có người chỉ muốn lưu danh với đời một cái tên!

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
108471

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu