Thứ 6, 19/04/2024 10:05:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:43, 16/10/2019 GMT+7

Kích cầu đầu tư điện mặt trời

Thứ 4, 16/10/2019 | 06:43:00 248 lượt xem
BP - Trước đây, khách hàng ít đầu tư điện mặt trời chủ yếu vì giá lắp đặt cao, hiệu suất kém dẫn đến thời gian thu hồi vốn kéo dài. Nhưng hiện nay công nghệ hiện đại, thời gian thu hồi vốn chỉ còn khoảng 4-5 năm, trong khi hệ thống có thể sử dụng ổn định hơn 20 năm. Tuy nhiên, theo thống kê toàn tỉnh hiện chỉ mới hơn 200 khách hàng đầu tư lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất hơn 3,4MWp.

So với 7-8 năm trước, giá đầu tư điện mặt trời để tạo ra cùng sản lượng điện đã giảm đến 3 lần. Trước đây, đầu tư điện mặt trời áp mái tốn đến 60-70 triệu đồng/kWp, nhưng hiện bình quân chỉ còn khoảng 18-20 triệu đồng/kWp, thậm chí giá rẻ hơn nhiều nếu đầu tư công suất lớn như các dự án của doanh nghiệp.

Vàng thau lẫn lộn

Tại hội thảo sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm năng lượng do Sở Công Thương phối hợp Công ty Điện lực Bình Phước tổ chức vừa qua, nhiều nhà cung cấp điện mặt trời cho rằng, nguyên nhân người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh băn khoăn chưa đầu tư điện mặt trời là do việc tiếp cận thông tin còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiện trên thị trường tỉnh có khá nhiều nhà cung cấp tấm pin điện mặt trời với giá khác nhau. Vì vậy khách hàng cũng cần có thêm thời gian để tìm hiểu và củng cố niềm tin về chất lượng sản phẩm còn khá mới này.

Thi công điện mặt trời tại nhà dân ở thành phố Đồng Xoài (ảnh lớn). Hóa đơn tiền điện nhà sách Huy Nam trước và sau khi lắp điện mặt trời

Ông T.V.Đ, phụ trách kỹ thuật của một đơn vị cung cấp điện mặt trời ở thành phố Đồng Xoài cho biết, hiện trên thị trường có rất nhiều loại pin, đặc biệt có loại kém chất lượng, bên ngoài mẫu mã tương đồng nhưng chất lượng kém xa rất nhiều. Bằng mắt thường quan sát thì những tấm pin kém chất lượng không khác mấy so với tấm pin thật. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 2-5 năm sử dụng, tấm pin này sẽ có hiện tượng nứt, vẫn tạo ra điện nhưng tỷ lệ chuyển đổi quang năng rất kém.

Ngoài ra, đối với điện mặt trời thiết bị chất lượng cao cũng không quyết định sản lượng điện cuối cùng, mà còn đòi hỏi phải có thiết kế tối ưu để đạt được hiệu suất tối đa. Hầu như không có thiết kế chuẩn nào phù hợp với tất cả công trình và nhà cung cấp phải xác định được chính xác vị trí lắp đặt để đạt hiệu suất cao nhất. Để làm được điều đó, nhà cung cấp phải dự toán sản lượng điện thực tế của tấm pin, sắp xếp phân bổ tấm pin hợp lý để tránh hao giảm công suất, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn và thẩm mỹ cao. Nhà cung cấp còn vận hành và bảo trì nên phải được huấn luyện, chuyển giao công nghệ để hệ thống hoạt động đúng quy chuẩn, hiệu quả, an toàn, đạt tuổi thọ cao.

Bà Đỗ Bạch Yến, Giám đốc Công ty Toàn Thành Phát (Đồng Xoài) cho biết: Dù có hơn 8 năm kinh nghiệm về điện mặt trời nhưng để kích cầu khách hàng lắp đặt, chúng tôi đã đưa ra chính sách khuyến mãi tốt nhất với ưu đãi lên đến hàng chục triệu đồng, cam kết bảo hành tại nhà, thay linh kiện 1 đổi 1. Nhờ đội ngũ bán hàng được huấn luyện chuyên nghiệp nên hiện đã có hơn chục khách hàng đầu tư, có khách hàng đầu tư đến 10kWp. Tuy nhiên, thời gian tới rất mong các ngành chức năng sớm có chính sách bảo trợ để chúng tôi phục vụ khách hàng được tốt nhất.

Tư vấn không đầy đủ

Được đánh giá là tỉnh có bức xạ nhiệt tốt nhất trong các tỉnh phía Nam nên ở Bình Phước những ngày nắng bình thường thì 1kWp điện mặt trời sản sinh từ 4-5,5 số điện; nắng gắt và nóng thì 1kWp điện mặt trời sản sinh từ 6-6,5 số điện; mưa nhỏ, vừa thì 1kWp điện mặt trời sản sinh từ 2-3 số điện. Như vậy, bình quân hằng tháng khách hàng tiết kiệm được 4-5,5 số điện là đương nhiên do tháng mưa ít hơn tháng nắng. Ông Đỗ Văn Điền (Đồng Xoài) cho biết: Tôi đầu tư lắp điện mặt trời từ tháng 10-2018 với công suất 2,75kWp. Trước đó, nhà tôi hằng tháng chi trả hơn 2 triệu đồng tiền điện. Ngay tháng sau khi lắp đặt điện mặt trời tiền điện giảm còn 1,3 triệu đồng, tháng tiếp theo chỉ còn hơn 1 triệu đồng. Tôi dự định nâng hệ thống lên 10 kWp để chủ động nguồn điện trong tương lai.

Là doanh nghiệp chuyên kinh doanh thiết bị và đồ dùng dạy học, tháng 7-2019, ông Nguyễn Văn Nam, chủ nhà sách Huy Nam (Đồng Xoài) sau thời gian tìm hiểu đã đầu tư lắp đặt điện mặt trời với công suất 5,4kWp. Trước đó mỗi tháng nhà sách trả gần 2 triệu đồng tiền điện thì sau khi lắp đặt chỉ còn trả khoảng 1 triệu đồng. Số điện dư của nhà sách Huy Nam được điện lực ghi nhận đến nay là 681kWp. Theo một số người dân và doanh nghiệp, lý do họ chưa mặn mà đầu tư điện mặt trời là còn vì nhân viên tư vấn khách hàng chưa phân tích cụ thể lợi ích về chi phí hay việc chủ động nguồn năng lượng trong tương lai mà chỉ phân tích chung chung, không đưa ra dẫn chứng về số liệu để minh chứng. Thêm nữa là việc mua lại số điện dư chưa có văn bản cụ thể của điện lực nên họ không yên tâm.

 Thực tế giá điện ngày càng tăng, tình trạng thiếu hụt điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chắc chắn sẽ thúc đẩy người dân tham gia lắp đặt điện mặt trời để tiết kiệm chi phí và chủ động nguồn năng lượng sử dụng. Vì vậy, để kích cầu người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư lắp đặt điện mặt trời, ngành điện và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần tăng cường tuyên truyền, có chính sách đảm bảo lợi ích cho khách hàng.

Phương Dung

  • Từ khóa
44959

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu