Thứ 5, 25/04/2024 22:15:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:14, 12/07/2018 GMT+7

Làm thế nào để chặn được nhũng nhiễu?

Thứ 5, 12/07/2018 | 08:14:00 171 lượt xem
BP - Cần có chế tài mạnh đối với công chức, cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân. Đó là đề nghị của Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền đối với các cơ quan chức năng tham mưu cho tỉnh tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX diễn ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 9-7. Và ý kiến này đã nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu dự kỳ họp.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc cử tri và đại biểu bức xúc, kiến nghị như vậy là bởi chỉ số PCI của tỉnh năm 2017 rất thấp, xếp thứ 62/63 tỉnh thành, trong đó 65% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp là phổ biến. Mặc dù số doanh nghiệp tại Bình Phước được khảo sát ít, chỉ chiếm chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp được khảo sát trong cả nước, nên đánh giá này chưa chắc đã phản ánh chính xác thực tế. Thế nhưng, ít nhất nhũng nhiễu “đã xảy ra”. Bởi nếu không có, doanh nghiệp không thiếu thiện cảm đến mức đánh giá như vậy.

Nhũng nhiễu, vòi vĩnh là một loại tham nhũng vặt. Nó như ghẻ lở trên người, không gây họa lớn ngay lập tức, nhưng lại âm ỉ, dai dẳng, khó chịu và ảnh hưởng mạnh đến tâm lý, văn hóa, dần tác động đến hình ảnh, uy tín của địa phương, quốc gia và nền kinh tế. Nhũng nhiễu là biểu hiện của suy thoái về đạo đức công vụ, gây bức xúc trong dư luận và bị xã hội lên án ngày một nhiều hơn. Thế nhưng vẫn còn nhiều trường hợp lạnh lùng, vô cảm, thô bạo, lợi dụng, chèn ép người dân, doanh nghiệp. Các cấp lãnh đạo nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo, ban hành quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức... song kết quả mang lại chưa tương xứng với kỳ vọng, với yêu cầu đặt ra trong bối cảnh cạnh tranh phát triển hiện nay.

Một trong những nguyên nhân chính là bởi chế tài đối với vi phạm chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, trong khi rất khó phát hiện chủ thể của hành vi nhũng nhiễu, vi phạm đạo đức công vụ. Thế nhưng, khi phát hiện thì biện pháp xử lý phổ biến vẫn là... chuyển công tác. Có thể thấy “giá phải trả” như vậy là quá thấp. Như cảnh sát giao thông mãi lộ “bị” chuyển sang làm văn phòng hoặc nghiệp vụ khác; công chức vòi vĩnh bị tố giác điều sang làm bộ phận không tiếp xúc trực tiếp hoặc không tiếp xúc với hồ sơ của nhân dân, doanh nghiệp. Viên chức năng lực, đạo đức công vụ kém bị chuyển làm công việc “vô thưởng vô phạt” hoặc “ngồi chơi xơi nước”. Thẩm phán “bán án” thì bị điều sang tòa khác... Tất cả những trường hợp này có 2 điểm chung lớn. Thứ nhất là khi bị phát hiện vi phạm, bị đánh giá kém, họ chỉ mất thứ vốn không có, hoặc trước đó họ không xứng đáng có (như vật chất vòi vĩnh được, lương thưởng cao, vị thế cao, uy tín cao...). Thứ hai, họ vẫn còn công việc, còn được trả lương đúng ngạch bậc (nếu không bị kỷ luật) như bao người khác và vẫn còn cơ hội để “lấy lại những thứ đã mất”...

Khi bệnh nhũng nhiễu phát sinh, đạo đức công vụ xuống cấp,... nhưng chỉ sử dụng liều thuốc quá nhẹ như “nhắc nhở”, “tuyên truyền”, “kêu gọi”... gần như không thể đem lại kết quả. Nó cần được kê toa mạnh hơn, ví dụ như quy định rõ nếu phát hiện vi phạm thì buộc thôi việc, thu hồi tiền nhà nước đã đóng bảo hiểm, công khai lý do buộc thôi việc trong hồ sơ... Để những chế tài mạnh đó được thực thi, trước khi pháp luật về lao động, công chức, viên chức, bảo hiểm... được sửa đổi, có thể triển khai làm cam kết và thực hiện nghiêm. Có như vậy, tình trạng này mới có thể được ngăn chặn kịp thời và dần dần trở thành nếp văn hóa công sở mới, văn minh hơn, hiện đại, đúng tinh thần chính quyền phục vụ.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu