Thứ 5, 28/03/2024 21:24:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:00, 08/02/2017 GMT+7

Làm giàu từ thú chơi cây cảnh

Thứ 4, 08/02/2017 | 14:00:00 1,819 lượt xem
BP - Chơi cây cảnh, bon sai hiện không đơn thuần là thú vui tao nhã mà còn là một nghề kinh doanh tạo ra lợi ích kinh tế lớn. Sinh ra và lớn lên tại làng Giới Tế, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), một trong những làng nghề cây cảnh, bon sai nổi tiếng tại các tỉnh phía Bắc, hai anh Ngô Tiến Mạnh và Đỗ Khắc An đã phát triển thú vui này thành nghề kinh doanh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm tại Đồng Xoài.

Anh Ngô Tiến Mạnh chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình

ĐAM MÊ CÂY CẢNH

Xuất thân từ làng nghề cây cảnh Giới Tế, anh Ngô Tiến Mạnh (33 tuổi) chủ vựa cây xanh Cộng Hòa, đường Phú Riềng Đỏ, phường Tân Bình, đã sớm “ngấm” máu chơi cây cảnh từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Mới đầu chưa biết nhiều nên anh mua một số phôi cây giá rẻ về vừa học vừa thực hành. Khi đã thành thạo anh đem những sản phẩm do mình tạo ra bán cho những người có nhu cầu.

Anh Mạnh cho biết: “Dáng cây, giá trị của cây không chỉ phụ thuộc giống, loại cây mà còn phụ thuộc phần lớn vào đôi tay khéo léo, sự sáng tạo của nghệ nhân. Để tạo được một cây đẹp, giá trị cao cần người thợ có đôi tay khéo léo, đôi mắt nghệ thuật, sự tâm huyết, kỳ công và cả kinh nghiệm. Có cây chỉ cần vài tháng sẽ thành hình nhưng cũng có cây phải mất 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm mới tạo được dáng, thế mong muốn. Tất nhiên giá trị cây cũng sẽ tăng lên theo tuổi đời và sự kỳ công đó”. Hiện nay, vườn cây của anh được coi là một trong những vườn cây lớn và có giá trị nhất về cây cảnh, bon sai trong tỉnh.

THU NHẬP HÀNG TRĂM TRIỆU ĐỒNG MỖI NĂM

Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm nghề cây cảnh, bon sai, anh Đỗ Khắc An (37 tuổi), chủ vựa cây cảnh Cái Mơn, đường Phú Riềng Đỏ, phường Tân Đồng, cho biết: “Không ai nhớ nghề này xuất hiện ở làng Giới Tế từ khi nào. Nhưng lúc còn nhỏ tôi đã thấy ông nội, bố và nhiều người trong làng chơi cây cảnh rồi niềm đam mê ấy cứ ngấm dần vào tôi khi nào không hay. Ngày xưa, cây cảnh là thú chơi tao nhã, mỗi nhà chỉ có một vài cây. Nhưng từ năm 1990 trở lại đây, nhu cầu làm đẹp cảnh quan môi trường, trang trí nhà cửa, sân vườn, hàng quán... tăng cao, nghề cây cảnh cũng phát triển mạnh từ đây. Đến nay, có gần 90% người dân làng nghề Giới Tế phát triển kinh tế từ nghề truyền thống này trên khắp cả nước. Chỉ tính riêng tại Đồng Xoài hiện đã có 3/8 vườn cây lớn thuộc làng nghề Giới Tế kinh doanh.

Anh An nói: Do nhu cầu chơi cây cảnh của khách khá đa dạng về chủng loại nên không chỉ tôi mà nhiều chủ vườn cây cảnh khác cũng luôn phải sáng tạo, học hỏi thêm kinh nghiệm từ thực tế, trên sách báo, internet để làm phong phú hơn sản phẩm của mình. Hơn nữa, các chủ vườn còn thường xuyên trao đổi cây với nhau để đáp ứng thị hiếu của khách ở từng vùng, từng địa phương.

Ngoài bán tại vựa cây cảnh của mình, đều đặn cứ 2-3 ngày, anh An lại chở một lượng lớn cây đến các huyện, thị xã trong tỉnh, có khi sang cả các tỉnh lân cận để chào hàng, chia sẻ cây cho khách cũng như các chủ vườn. Ngoài kinh doanh cây cảnh, bon sai, anh An còn nhận tư vấn kiến trúc, chăm sóc các loại cây cảnh chơi tết như mai, tắc (quất). Từ một thú chơi tao nhã giờ đây nghề buôn bán cây cảnh mang lại cho gia đình anh mỗi năm từ 200-300 triệu đồng.

Ngoài hoạt động kinh doanh, vựa cây xanh Cộng Hòa của anh Mạnh còn được biết đến là nơi sinh hoạt thường xuyên của Hội Sinh vật cảnh, Câu lạc bộ bon sai thị xã Đồng Xoài. Ông Trần Huy Cang, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã cho biết: “Anh Mạnh là một trong những hội viên tích cực có nhiều đóng góp cho sự phát triển của hội. Với số lượng cây phong phú, nhiều dáng, thế cây đẹp và sáng tạo, vườn cây của anh là nơi hội viên đến học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm”.

Đức Hinh

  • Từ khóa
41073

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu