Thứ 3, 23/04/2024 20:24:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:00, 25/03/2017 GMT+7

Làm giàu trên đất biên giới - Bài cuối

Thứ 7, 25/03/2017 | 08:00:00 246 lượt xem

BP - “Mỗi ngày tôi bỏ mối cho các nhà hàng, quán ăn khoảng 200kg thịt, tương đương 100 con gà. Giá bao tiêu sản phẩm 60.000 đồng/kg. Để có chừng ấy lượng thịt sạch giao khách hàng, mỗi tháng tôi phải nhập về 3.000 con gà giống, phân chia thành 4 chuồng và tự tay chăm sóc. Hôm vừa rồi, cán bộ ngân hàng nông nghiệp và Siêu thị Co.opmart Sài Gòn tìm đến tận nhà đặt mua với giá 160.000 đồng/kg, điều kiện đặt ra là gà phải nuôi đến 5 tháng, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và mỗi tuần phải cung cấp đủ 5 tấn thịt. Toàn bộ chi phí vận chuyển, đóng gói, đông lạnh, nhà phân phối lo hoàn toàn. Ngân hàng sẵn sàng đầu tư vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi. Trời ạ! Mình lấy đâu ra giấy chứng nhận, lại còn 5 tấn thịt cho một tuần chứ phải chuyện đùa đâu. Mình thua mà tiếc” - chủ trang trại nuôi gà Nguyễn Anh Thái chia sẻ.

>> Làm giàu trên đất biên giới - Bài 1

CHUYỆN CON GÀ VÀ THƯƠNG HIỆU NHÀ NÔNG

THƯƠNG HIỆU CHO GÀ

19 năm trước, anh Nguyễn Anh Thái từ tỉnh Phú Thọ chuyển vào định cư trên vùng đất biên giới thuộc xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh). Sau nhiều năm gắn bó với nghề nông, từ việc trồng tiêu, điều đến nuôi heo, cá anh từng trải qua. Năm 2014, anh chuyển sang nuôi gà. Con giống có lúc anh lấy từ Phú Thọ, khi thì tuyển ở Thanh Hóa, lúc Bình Định, Đồng Nai với giá bình quân 22.000 đồng/con. “Sau 3-4 tháng nuôi, tiền công chăm sóc, thuốc thú y, thức ăn vị chi bình quân hết 40.000 đồng/kg thể trọng. Nếu giá gà ngoài thị trường 40.000 đồng/kg coi như người nuôi từ lỗ đến lỗ vì phải chịu tỷ lệ hao đàn. Bởi vậy, mình phải tìm mối bán với giá 60.000 đồng/kg mới hy vọng có lãi” - anh Thái nhận định.

Gà của gia đình anh Thái nuôi từ 3,5-4 tháng mới xuất chuồng

Ngay từ lứa nuôi đầu tiên, anh Thái đã xác định đầu ra bền vững là giải pháp tốt nhất để người chăn nuôi trụ vững với nghề. Để làm được điều đó, anh mang gà của mình đến các nhà hàng, quán ăn cho khách thưởng thức miễn phí cả tháng trời. Gà của anh nuôi từ 3,5-4 tháng mới xuất chuồng nên thịt chắc, ngon, thơm, được khách hàng ưa chuộng. Nhờ đó mới được các nhà hàng, quán ăn chấp nhận đặt mua ổn định với giá bao tiêu sản phẩm 60.000 đồng/kg. Toàn bộ thịt gà bỏ cho nhà hàng phải được làm bằng tay, cộng thêm tiền công 15.000 đồng/con. Từ một, hai nhà hàng ban đầu hiện nguồn thịt gà của gia đình anh đã nhân rộng ra hầu hết các quán ăn của huyện Lộc Ninh. Thương hiệu gà Anh Thái ở Lộc Thạnh được hình thành. Có thương hiệu, việc nuôi gà đã mang lại doanh thu ổn định cho gia đình anh bình quân mỗi ngày 12 triệu đồng.

SỰ CỐ HỮU CỦA NHÀ NÔNG

Doanh thu của một nhà nông ở vùng đất đầy nắng gió nơi biên giới tới 12 triệu đồng/ngày không phải là điều ai cũng làm được. Với doanh thu này, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi ngày gia đình anh Thái lời ít nhất 4 triệu đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết tính toán về mặt số học. Anh Thái cho biết, thực tế người chăn nuôi còn phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Đặc biệt, tình hình kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi rất khó lường. Khi đàn gia cầm mắc phải dịch bệnh, có cán bộ thú y đổ lỗi cho con giống, người cung cấp con giống lại đổ thừa cho vắc-xin kém chất lượng. Chưa dừng ở đó, người làm công thường mang tâm lý làm cho xong chuyện mà không nghĩ đến chất lượng, hiệu quả trong quá trình chăn nuôi. Hậu quả sau cùng là người chủ chăn nuôi phải gánh chịu. Từ lý do này, nhiều người tự tay chăm sóc, mua thuốc rồi tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của mình sau một thời gian tích lũy được kinh nghiệm trong chăn nuôi. Anh Thái cho rằng, với nhiều bất trắc như thế nên khi có cơ hội tăng đàn nâng cao thu nhập, người chăn nuôi đơn lẻ như anh không dám mạo hiểm. “Đơn cử như câu chuyện mua bán với siêu thị Co.opmart chẳng hạn. Chất lượng mình đảm bảo nhưng số lượng thì không đủ đáp ứng. Tôi từng nghĩ đến việc mời các bạn chăn nuôi gà có chất lượng ở thị xã Bình Long hợp tác làm ăn với siêu thị nhưng rồi lại thôi. Mở rộng sản xuất thì không được bởi mình không thể tin tưởng những người làm công. Họ thường làm cho xong việc, bất chấp đàn gà phát triển như thế nào. Sự thiếu trách nhiệm của họ thường dẫn đến hậu quả khôn lường trong chăn nuôi là dịch bệnh cả đàn. Bởi vậy mình chấp nhận làm ăn nhỏ lẻ để đảm bảo tính an toàn không chỉ cho mình mà cho cả gia đình”.

THƯƠNG HIỆU NÔNG HỘ, TẠI SAO KHÔNG?

Đó là câu hỏi được anh Nguyễn Anh Thái đặt ra với các cơ quan chức năng. Ngoài nuôi gà, hiện gia đình anh còn sở hữu 2.000 nọc tiêu được chăm sóc theo hướng hữu cơ sinh học. Đến nay, anh đã có 19 năm gắn bó với hồ tiêu. Từ sâu bệnh đến giá cả thị trường của hồ tiêu như thế nào anh cũng từng trải qua. Vườn tiêu của gia đình anh luôn được che mát bởi nọc sống và lưới. Tất cả nguồn phân gà trong quá trình chăn nuôi được anh ủ hoai mục để bón cho vườn tiêu. Nhờ vậy mỗi nọc tiêu của gia đình anh luôn cho năng suất bình quân hơn 4kg.

2.000 nọc tiêu được gia đình anh Thái chăm sóc theo hướng hữu cơ sinh học

“Mỗi nhà nông đều biết cách lựa chọn phương pháp canh tác để tồn tại và phát triển. Ngay cả việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp họ cũng có nhiều sáng kiến để chất lượng, năng suất và hiệu quả cao nhất. Mỗi nông hộ muốn vươn đến thị trường tiêu thụ rộng lớn đều cam kết chắc một điều rằng: Tuân thủ đúng quy trình khoa học của doanh nghiệp hay Nhà nước đưa ra. Thế nhưng, hiện họ không biết tìm đâu giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hay nói cách khác là giấy chứng nhận sản phẩm sạch. Không có giấy chứng nhận sản phẩm sạch thì không đủ cơ sở pháp lý để liên kết với thị trường rộng lớn. Do vậy, trước khi tạo dựng thương hiệu chung, các cơ quan chức năng nên tập trung hỗ trợ nông dân xây dựng được thương hiệu riêng cho từng sản phẩm. Mỗi nông hộ, mỗi sản phẩm nông nghiệp có được thương hiệu thì việc xây dựng thương hiệu tập thể sẽ không có gì khó” - nhà nông Nguyễn Anh Thái kiến nghị.

Đông Kiểm - Hoàng Thu

  • Từ khóa
93241

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu