Thứ 7, 20/04/2024 19:10:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 06:13, 23/08/2017 GMT+7

Để phát triển du lịch ở VQG Bù Gia Mập

Thứ 4, 23/08/2017 | 06:13:00 2,167 lượt xem
BP - 3 loại hình sản phẩm du lịch được tỉnh Bình Phước định hướng đến năm 2020, gồm du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa, thương mại cửa khẩu; du lịch cuối tuần gắn với du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh và du lịch mạo hiểm. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái được đề cập đến đầu tiên, nhất là phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập thuộc cụm du lịch phía đông bắc của tỉnh.

Nhiều thế mạnh trong phát triển du lịch

Là cánh rừng nguyên sinh lớn nhất tỉnh với tổng diện tích trên 25.778 ha, VQG Bù Gia Mập được ví như lá phổi xanh của miền Đông Nam bộ, là rừng phòng hộ đầu nguồn cho các công trình thủy điện: Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng. Đây là nơi bảo tồn nhiều mẫu chuẩn hệ sinh thái, các nguồn gen quý hiếm của hệ động - thực vật. Hiện vườn có 59 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, như chà vá chân đen, gấu chó, báo gấm, sói lửa, bò tót, bò rừng, gấu ngựa, voi...; 168 loài chim, trong đó 10 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, như gà lôi, hồng hoàng, hồng tía, dù dì phương Đông, cu xanh, chim công, gà tiền mặt đỏ, chim yến hồng xám; nhiều loài động vật thuộc bộ linh trưởng, như khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, voọc ngũ sắc, voọc xám... và 30 loài bò sát.

Du khách tham quan thác Đắk Bô, vườn quốc gia Bù Gia Mập

Hệ thống giao thông của vườn cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn trong du lịch. Với 2 tuyến chính là quốc lộ 14C (hay đường ĐT741) và đường tuần tra biên giới đi xuyên vùng lõi rừng dài hơn 60km, chạy dọc biên giới 2 nước Việt Nam và Campuchia. Địa hình đặc thù đã tạo ra những cung đường với nhiều đèo, dốc, cảnh quan đẹp. Nhiều đoạn đường trên sườn núi chênh vênh tạo cho người du hành nhiều cung bậc cảm xúc. Có lẽ vì thế mà cung đường này được các phượt thủ đánh giá trong tốp các “cung đường phượt” đẹp và thú vị.

Vườn có khoảng 20 con suối lớn, nhỏ dọc 2 tuyến đường chính cùng nhiều tuyến đường xương cá với hệ thống thác và hang động dày đặc, như: Giếng trời, các ngọn thác trên suối Đắk Bô, hang Trung Đoàn, hang Nai, thác Đắk Sam, thác Đắk Mí, thác Glargung, thác Lưu Ly, thác Đắk Rốt... Đắk Bô là một trong những thác nước đẹp nhất ở phía đông bắc của vườn với 3 tầng thác. Mỗi tầng là một bãi tắm rất đẹp, có thể chứa cùng lúc hàng trăm người. Trong hành trình khám phá, du khách được tham gia trò chơi bắt cá suối, thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân địa bàn, như: Cơm nấu trong ống lồ ô, canh thụt, canh chua nấu cá suối, măng rừng kho thịt... mang đến những trải nghiệm thú vị của không gian núi rừng.

Cần được đầu tư xứng tầm

Anh Kiều Đình Tháp, Trưởng phòng Giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng VQG Bù Gia Mập cho biết: Những năm qua, vườn luôn quan tâm phát triển lĩnh vực du lịch và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Năm 2015, vườn chỉ có 2 tuyến du lịch được mở với 13 điểm đến cùng một số đường xương cá dọc quốc lộ 14C và đường tuần tra biên giới, thì nay đã có trên 6 tuyến: Vườn - Giếng trời - thác Đắk Bô, thác Đắk Ka - thác Lưu Ly, làng dân tộc S’tiêng - du lịch sinh thái VQG, văn hóa ẩm thực của người Mơnông - Bù Gia Mập - Bình Phước... Vào mùa khô, du khách có thể đến các điểm Ranh 13, thác Đắk Sam, thác Đắk Mai, điểm cuối đường ống dẫn dầu Trường Sơn, sân bay trực thăng... và hang Dơi.

Du khách tham quan thác Đắk Bô, VQG Bù Gia Mập

“Vườn đang là điểm đến lý tưởng cho học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn tỉnh và TP. Hồ Chí Minh về tham quan hệ sinh thái động - thực vật, rèn luyện kỹ năng sinh tồn. Các em rất thích thú khi được tiếp xúc, ngắm nhìn những con vật chứ không phải qua sách vở, hình ảnh. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điểm hấp dẫn, du khách chưa thể đặt chân đến vì địa hình hiểm trở và sâu trong rừng. Các hoạt động dịch vụ đi kèm và điểm dừng chân nghỉ ngơi cho du khách còn rất tạm bợ. Muốn du lịch phát triển cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, bãi dừng chân, hoạt động dịch vụ du lịch đi kèm... mới phát triển xứng tầm với những tiềm năng, thế mạnh du lịch của vườn” - anh Tháp chia sẻ.

gỡ khó để thúc đẩy tiềm năng

Do cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch sinh thái chưa được đầu tư, đội ngũ hướng dẫn viên, những người phụ trách lĩnh vực du lịch chưa được đào tạo bài bản nên việc tổ chức, phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. “Hiện vườn chỉ có 3 hướng dẫn viên (được chuyển từ bộ phận khác sang), không được đào tạo chuyên nghiệp, trong khi mỗi tuần chỉ có 1-2 đoàn khách đến vào những ngày cuối tuần và thu nhập từ tiền hướng dẫn viên chỉ được 400-500 ngàn đồng/tháng nên đời sống của anh em chưa đảm bảo” - anh  Kiều Đình Tháp nói.

Năm 2013, VQG Bù Gia Mập có 350 lượt khách tham quan. Nhưng trong 6 tháng đầu năm 2017, vườn đã tiếp đón, hướng dẫn tham quan 911 lượt khách và tổ chức 4 đợt khảo sát du lịch. Các tuyến, điểm du lịch của vườn được nhiều du khách biết đến và tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng nên công tác phát triển du lịch của vườn đang từng bước hình thành.

Ngoài ra, bảng giá du lịch sinh thái chưa được ngành chức năng phê duyệt nên việc tuyên truyền quảng bá về du lịch còn nhiều hạn chế; các điểm tham quan chưa được khai thác, đầu tư đúng mức; cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách... Trong khi vườn ở khu vực biên giới, chưa cho phép người nước ngoài vào tham quan du lịch nên các công ty lữ hành không dám phổ biến rộng rãi cũng làm ảnh hưởng đến thế mạnh phát triển du lịch nơi đây.

“Để đáp ứng nhu cầu du khách, sắp tới vườn sẽ quy hoạch các khu du lịch sinh thái, đào tạo nhân lực phục vụ phát triển du lịch và phối hợp các công ty lữ hành mở thêm nhiều loại hình du lịch. Vườn cũng sẽ điều tra, khảo sát mở rộng thêm các điểm cắm trại vì hiện chỉ có 4 điểm cắm trại tự nhiên, chưa đầu tư với sức chứa khoảng 30 du khách/điểm là khu Giếng trời, suối Đắk Manh, suối Đắk Ka và ranh 13-14” - anh Kiều Đình Tháp cho biết.

Ông Nguyễn Đại Phú, Giám đốc Ban quản lý VQG Bù Gia Mập kiến nghị: Phát triển du lịch của vườn đang gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất chưa được đầu tư, nhân sự chưa được đào tạo, tập huấn đầy đủ. UBND tỉnh đã cho thành lập Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng, nhưng vấn đề nhân sự của đơn vị này đến nay chưa được giải quyết. Rất mong UBND tỉnh có biện pháp tháo gỡ để trung tâm sớm đi vào hoạt động, phục vụ tốt hơn tuyên truyền bảo vệ rừng cũng như đẩy mạnh phát triển các thế mạnh về du lịch.

Nguyệt Cát

  • Từ khóa
90060

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu