Thứ 6, 29/03/2024 13:03:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:50, 20/07/2018 GMT+7

Làm gì để ngăn chặn sốt rét?

Thứ 6, 20/07/2018 | 09:50:00 127 lượt xem

BP - Trước đây, Bình Phước được coi là địa bàn trọng điểm của cả nước về bệnh sốt rét. Với sự chung tay của Trung ương, sự nỗ lực của ngành y tế tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân được nâng cao nên bệnh sốt rét dần được khống chế, số ca mắc và chết do sốt rét ngày càng giảm. Tuy nhiên, bệnh này đang có dấu hiệu bùng phát trở lại với mức độ nguy hiểm hơn. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ mắc bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh tăng hơn 66% so với cùng kỳ năm 2017. Toàn tỉnh hiện có 973 ca mắc sốt rét, trong đó 1 trường hợp đã tử vong.

Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều và kéo dài là môi trường lý tưởng cho muỗi anopheles và ký sinh trùng gây bệnh phát triển mạnh. Nhưng nguyên nhân chính làm bệnh này gia tăng là từ do chủ quan cùng thói quen của người dân khi ngủ không giăng mùng và không coi trọng việc diệt muỗi. Địa bàn xảy ra bệnh chủ yếu là các xã nghèo, cơ sở hạ tầng, nhân lực, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng chống và điều trị sốt rét còn thiếu thốn, như Đắk Ơ, Bù Gia Mập (Bù Gia Mập) và Đắk Nhau (Bù Đăng). Ngoài ra, nhiều trường hợp nhiễm ký sinh trùng không được phát hiện và điều trị kịp thời hoặc không đến cơ sở y tế điều trị theo phác đồ mà tự mua thuốc uống, dẫn tới tình trạng muỗi kháng thuốc. Đây cũng chính là nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại và xu hướng phát triển thành dịch đang hiện hữu.

Hiện nay, giải pháp an toàn nhất để không mắc bệnh sốt rét khi sinh sống tại vùng sốt rét hoặc khi đi vào vùng sốt rét lưu hành, nguyên tắc cơ bản nhất vẫn là hạn chế đến mức thấp nhất sự tiếp xúc của muỗi anopheles đối với người. Muốn giải quyết được vấn đề này thì biện pháp tự bảo vệ tốt nhất là ngủ mùng tẩm hóa chất chống muỗi. Đồng thời, sử dụng nhang chống muỗi, kem chống muỗi, mặc áo quần dài khi trời tối; hun khói, phát quang bụi rậm; lấp các vũng nước đọng quanh nhà, rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên... để diệt lăng quăng, bọ gậy, không cho muỗi đẻ trứng.

Trong công tác phòng chống bệnh sốt rét, không thể quy trách nhiệm cho riêng ngành y tế mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan chuyên môn trong phòng chống dịch bệnh, ngoài việc tổ chức phun hóa chất dập dịch ở các vùng sốt rét lưu hành, ngành y tế tỉnh nói chung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nói riêng cần chú trọng giám sát dịch tễ bệnh tại các thôn, xã là vùng trọng điểm sốt rét, các ổ dịch cũ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công trình xây dựng dài ngày, các đối tượng đã mắc bệnh sốt rét tại chỗ và từ nơi khác chuyển đến... Để ngăn chặn loại bệnh này, cơ quan chức năng cần tăng cường các điểm xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét tại tuyến xã, kịp thời phát hiện, điều trị bệnh nhân sốt rét tại chỗ; xử lý triệt để những trường hợp kháng thuốc; huy động nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống sốt rét... Tại các địa bàn trọng điểm về sốt rét, nhất là ở vùng sâu, xa, vùng gần rừng, sông suối... ngoài tuyên truyền, vận động, cần hướng dẫn người dân cách phòng tránh dịch bệnh theo hướng cầm tay chỉ việc, thậm chí trình bày bằng hình ảnh với những trường hợp không biết chữ.

Như Thảo

  • Từ khóa
108918

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu