Thứ 5, 18/04/2024 19:20:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:53, 30/04/2016 GMT+7

Làm gì để ngăn chặn hành vi sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm và chăn nuôi?

Thứ 7, 30/04/2016 | 06:53:00 381 lượt xem

BP - Thời gian gần đây, phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về việc các cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ đưa chất cấm vào trong thức ăn chăn nuôi, vận chuyển, chế biến thực phẩm bẩn. Đặc biệt nguy hiểm là có nhiều loại chất cấm như chất tạo nạc salbutamol, clenbuterol, vàng ô và một số loại kháng sinh không được phép sử dụng nhưng đã được người chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm sử dụng. Người tiêu dùng ăn phải loại thịt hoặc thực phẩm có chứa những chất này về lâu dài có thể sẽ bị mắc những bệnh như: tăng huyết áp, tim mạch, tổn thương gan, thận, đặc biệt có thể gây mắc bệnh ung thư và chứng bệnh nan y khác.

CHẾ TÀI KHÔNG ĐỦ SỨC RĂN ĐE

Ai cũng biết pháp luật ở nước ta quy định rõ rằng, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Những kẻ phạm phải tội ác giết người đều xét xử nghiêm minh với hình phạt tù hoặc tử hình. Thế nhưng hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc... có nguy cơ dẫn đến chết nhiều người hoặc chết người hàng loạt thì lại chỉ bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt rất thấp. Điều bất cập trên đây và nói chính xác hơn vì chế tài không đủ mạnh, không đủ sức răn đe là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc và trong nuôi trồng thủy sản tràn lan như hiện nay.

Rất khó phát hiện bằng cảm quan có sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm - Ảnh: S.H

Cụ thể, tại Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, có nội dung như sau:

Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 156, 157, 159 và 161 của bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Hàng giả có số lượng rất lớn; Tái phạm nguy hiểm; Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Phạm tội trong trường hợp hàng giả có số lượng đặc biệt lớn hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm...

Luật quy định là vậy nhưng từ nhiều năm nay rất ít người có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi... bị xử lý hình sự. Hơn nữa, để khởi tố được bị can về tội danh này thì các cơ quan chức năng phải chứng minh được người đó đã sai phạm “với số lượng lớn”. Trong khi đó, luật không quy định bao nhiêu là lớn nên cơ quan chức năng đành bó tay. Còn về xử lý hành chính thì trong Nghị định số 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ có quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm về kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật trên cạn để kinh doanh như sau: Phạt tiền đối với hành vi vi phạm giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật theo mức phạt sau đây: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ;...

Một sạp bán thịt gia súc ở chợ Đồng Xoài (ảnh chỉ mang tính minh họa) - Ảnh: K.B

Và tại Điều 36 của nghị định này có quy định mức phạt đối với các hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi như sau:

Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm sau đây: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi...

Cũng theo quy định tại Nghị định số 119/2013/NĐ-CP thì mức xử phạt đối với hành vi cố tình bơm nước hoặc các chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ chỉ 5 đến 6 triệu đồng. Điều này vô cùng bất hợp lý ở chỗ: Việc cố tình bơm nước vào 2 cá thể động vật là gà và bò hoặc trâu thì cũng bị phạt cùng một mức. Trong khi đó, trọng lượng cũng như giá trị của một con trâu hoặc một con bò cao gấp hàng trăm lần so với một con gà hay một con vịt.

SỰ KỲ VỌNG CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã hoàn tất dự thảo nghị định để thay thế Nghị định số 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện dự thảo nghị định này đã được công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành và các địa phương. Theo dự thảo nghị định mới, Bộ NN&PTNT đề nghị sửa đổi mức xử lý đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc và trong nuôi trồng thủy sản hướng phạt theo giá trị động vật, sản phẩm động vật. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề xuất phạt tiền bằng 40-60% tổng giá trị động vật tại thời điểm vi phạm đối với hành vi vi phạm cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ nhưng số tiền phạt tối đa không quá 50 triệu đồng.

Đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, người vi phạm sẽ bị phạt tiền bằng 80-100% tổng giá trị động vật vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt tối đa không quá 100 triệu đồng và hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa tạo dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm. Hoặc phạt tiền bằng 100-120% tổng giá trị động vật vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt tối đa không quá 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại nhưng chưa tạo dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm. Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh mỗi loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc không có văn bản cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trại nuôi heo ở xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú (ảnh chỉ mang tính minh họa) - Ảnh: H.C

Cũng theo dự thảo nghị định này, tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp chuẩn, hợp quy theo quy định và lưu 1 bộ hồ sơ tại cơ sở. Đồng thời, có quy trình kiểm tra chất lượng; ghi và lưu nhật ký quá trình sản xuất ít nhất là 3 năm. Bên cạnh đó, cơ sở chế biến thức ăn gia súc phải có hồ sơ theo dõi nguồn gốc nguyên liệu, có tiêu chuẩn đánh giá, phân loại chất lượng thức ăn chăn nuôi. Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi thể hiện các thông tin về chất lượng trên nhãn hàng hóa, bao bì hoặc tài liệu kèm theo, trong đó phải ghi rõ các chất chính theo quy định của Bộ NN&PTNT. Dự thảo cũng nêu rõ, định kỳ vào ngày 25 hằng tháng, tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi về Bộ NN&PTNT và sở NN&PTNT và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy vậy, mức phạt tối đa 100 triệu đồng cho những hành vi nói trên như quy định trong dự thảo cũng chỉ mới là 1/10 so với mức phạt tối đa 1 tỷ đồng được ghi trong Bộ luật Hình sự 2015 về tội danh này. Mặt khác, trong Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, còn quy định đối với tội sử dụng chất cấm có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Cụ thể, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi được quy định tại Điều 195 như sau:

Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Hàng giả trị giá từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;... Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;... Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200 triệu đồng trở lên;...

Với mức phạt hành chính và hình sự như nêu trên, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, chắc chắn những hành vi vi phạm trên đây sẽ sớm được ngăn chặn. Qua đó, người tiêu dùng trong cả nước sẽ yên tâm hơn với sản phẩm trong nước và đây cũng là động lực để ngành chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc trong nước phát triển nhanh.  

Tuy nhiên, để việc ngăn chặn hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc có hiệu quả thì rất cần sự vào cuộc một cách tích cực, khẩn trương của các cấp, các ngành và của mọi người, mọi nhà trong việc tố giác và xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm.

N.V

  • Từ khóa
92921

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu