Thứ 5, 25/04/2024 09:09:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:01, 28/06/2015 GMT+7

Làm gì để hướng đến truyền thông đa phương tiện?

Chủ nhật, 28/06/2015 | 07:01:00 1,701 lượt xem
BP - Nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, một cơ quan báo chí hiện đại không thể chỉ có tờ báo giấy thông thường mà còn có cả trang thông tin điện tử, báo điện tử hoặc các dịch vụ truyền tin khác. Do đó, các phương tiện truyền thông đang có xu hướng cùng tích hợp, tương tác và hỗ trợ nhau bằng những phương thức đa dạng và phức tạp hơn.

Để cơ quan báo đảng địa phương bắt kịp xu thế truyền thông mạnh mẽ hiện nay, tại hội thảo “Báo đảng địa phương với xu hướng truyền thông đa phương tiện” tổ chức tại Báo Bình Dương vừa qua, đại diện các cơ quan báo đảng khu vực Đông Nam bộ đã có những đề xuất tích cực với mong muốn, báo chí địa phương sẽ đáp ứng kịp thời thị hiếu của công chúng hiện đại.

XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG PHÓNG VIÊN ĐA NĂNG

Nhà báo Trần Duy Thanh, Tổng biên tập Báo Đồng Nai cho rằng: Hội tụ truyền thông là sự giao thoa giữa truyền thông truyền thống và truyền thông mới hay là sự tích hợp giữa các phương tiện truyền thông mới và cũ trong cùng một tòa soạn để tạo ra “những đứa con tinh thần” mà công chúng dễ dàng đón nhận ở bất kỳ hình thức nào. Với truyền thông đa phương tiện, phóng viên, biên tập viên, phải cùng hợp tác làm tin, bài thay vì hoạt động độc lập như trước. Ông cho biết: Hiện báo Đồng Nai điện tử chủ yếu sử dụng các văn bản, ảnh, video clip, file audio. Qua thăm dò nhận thấy, bạn đọc rất hứng thú khi tiếp nhận các tác phẩm báo chí đa phương tiện.

Ông Phạm Quốc Toàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Để xây dựng tòa soạn hội tụ hay tòa soạn đa phương tiện, cần phải có những tiêu chí nhất định về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ... Do vậy, phóng viên phải làm được nhiều việc, không chỉ viết cho báo in, báo điện tử mà có thể sản xuất các sản phẩm truyền thông cho phát thanh và truyền hình. Những phóng viên hoạt động trong các tòa soạn hội tụ phải làm chủ công nghệ, nhạy bén khi xử lý thông tin cho các kênh truyền thông khác nhau. Vì vậy, cơ quan báo chí cần xây dựng lực lượng phóng viên chuyên nghiệp và mạnh về công nghệ thông tin. Đơn cử như phóng viên ảnh, ngoài việc cung cấp phóng sự ảnh, còn phải biết phỏng vấn, ghi âm, quay phim, biên tập âm thanh, hình ảnh video, thậm chí cả thiết kế đồ họa.

Chia sẻ vấn đề này, nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó tổng Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải phóng thẳng thắn: Không chỉ đa năng trong tác nghiệp, phóng viên phải có mặt kịp thời tại hiện trường, biết tận dụng thông tin từ những cộng tác viên không chuyên hay người được tiếp cận sự việc đầu tiên. Thông tin nắm đến đâu phải chuyển đến đó, nhưng phải chính xác, đồng thời mở rộng vấn đề phản ánh nếu thấy phù hợp. Nhà báo Lê Công Tân, Phó tổng biên tập Báo Tây Ninh nói: Để đáp ứng nhu cầu của truyền thông đa phương tiện, ngay sau khi sự kiện kết thúc, phóng viên phải gửi tin nhanh cho báo điện tử. Chúng tôi còn khuyến khích phóng viên tự học, tự đào tạo để có thể vừa viết tin, bài cho báo in, báo điện tử và thực hiện những video clip minh họa, có đọc lời bình (các loại máy ảnh hiện nay đều có chức năng quay phim) hay smartphone (điện thoại thông minh).

CẦN ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ

Nhà báo Trần Duy Thanh khẳng định: Muốn hướng đến một tòa soạn đa phương tiện, đòi hỏi phải có không gian rộng để tổ chức văn phòng theo mô hình hội tụ, được trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại vì nội dung không tách rời kỹ thuật. Kỹ thuật tốt sẽ giúp nội dung bứt phá, thể hiện sức mạnh của thông tin. Đồng thời, kỹ thuật giải mã đa phương tiện phải nhanh chóng, dễ sử dụng, giúp truyền âm thanh và hình ảnh tới các thiết bị xem tin đa phương tiện theo yêu cầu, bảo đảm tin, bài được truyền tải đến nhiều loại hình báo chí và được khai thác trên tất cả các loại thiết bị.

Ngoài lực lượng phóng viên đa năng, am hiểu nhiều loại hình báo chí, sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ hỗ trợ, cần xây dựng phòng thu âm, trao đổi trực tuyến ngay tại tòa soạn; xây dựng chương trình phát thanh trên báo điện tử; đổi mới, cải tiến các chuyên trang, chuyên mục, chương trình... phù hợp với nhu cầu của công chúng.

Nhà báo Lê Công Tân cho biết thêm: Để đáp ứng yêu cầu của một tòa soạn hội tụ, tất cả các nguồn tin, bài đầu vào sau khi biên tập bước 1 được chuyển về phòng tòa soạn để các biên tập viên phân loại, điều phối và quyết định nên sử dụng tin, bài nào cho báo in hay báo điện tử, sự kiện nào cần thực hiện thêm video clip, phỏng vấn phát thanh để tích hợp cho báo điện tử. Như vậy, tòa soạn sẽ trở thành trung tâm trong mô hình tòa soạn đa phương tiện. Ông Tân cũng đề nghị, bên cạnh sự cố gắng của cơ quan báo đảng địa phương, rất cần Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhiều hơn nữa những lớp bồi dưỡng, đào tạo trang bị kiến thức nghiệp vụ về biên tập và tổ chức nội dung cho mô hình tòa soạn hội tụ; tổ chức những lớp bồi dưỡng về kỹ năng, cách thức biên tập cho các loại hình báo chí... Nhất là về tổ chức bộ máy cũng như nhân sự đối với một tòa soạn đa phương tiện.

Lâm Phương

  • Từ khóa
13340

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu