Thứ 6, 29/03/2024 16:11:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:16, 22/11/2017 GMT+7

Làm gì để hạn chế đình công, lãn công?

Thứ 4, 22/11/2017 | 08:16:00 1,000 lượt xem

BP - Ngày 19-11, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Sang Hun, chuyên sản xuất quần áo may sẵn ở Khu công nghiệp Đồng Xoài I ký tên đồng khởi kiện doanh nghiệp này do 3 tháng chưa trả lương, không đóng bảo hiểm cho người lao động, nhưng vẫn trừ tiền bảo hiểm hằng tháng. Hoạt động từ tháng 3-2015, nhưng đến nay công ty này đã xảy ra 15 vụ ngừng việc tập thể, lãn công. Trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ đình công, lãn công. Nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa thực hiện tốt pháp luật về lao động, thỏa ước lao động, chưa quan tâm đến lợi ích chính đáng của người lao động, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như gìn giữ an ninh trật tự địa bàn.

>> Hàng trăm công nhân đồng khởi kiện Công ty TNHH Sang Hun

Hầu hết các cuộc đình công, lãn công thường xuất phát từ quan hệ lao động và vì mục đích kinh tế, thường xảy ra tự phát, không tuân theo quy định của pháp luật và phần lớn là ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Chủ doanh nghiệp lợi dụng sự buông lỏng quản lý của cơ quan nhà nước để “lách luật” nhằm giảm chi phí sản xuất và sử dụng lao động để đạt được lợi nhuận tối đa. Những cuộc đình công, lãn công xảy ra thời gian qua chủ yếu do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh... giải quyết. Các cơ quan này thường sử dụng biện pháp hành chính, tổ chức họp giữa đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động nhằm sớm ổn định sản xuất - kinh doanh và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Pháp luật quy định cụ thể, đầy đủ mọi điều kiện về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Nhưng đến nay, số doanh nghiệp có vốn ĐTNN, DNTN thành lập được tổ chức công đoàn còn hạn chế nên nhiều quy định của pháp luật liên quan đến vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động không thực hiện được trong thực tế. Những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thì đa số hoạt động cầm chừng và người làm công tác này chủ yếu kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, năng lực và không được đào tạo, bồi dưỡng nên chưa bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Để giải quyết những vấn đề liên quan đến đình công, lãn công, trước hết nhà nước phải có chính sách cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng các doanh nghiệp nhà nước, DNTN đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp có vốn ĐTNN ngay trên sân nhà; thành lập các cơ quan, tổ chức hòa giải, trọng tài và xét xử các tranh chấp lao động, đình công, lãn công. Đề ra trình tự, thủ tục và chủ thể tổ chức và lãnh đạo đình công, lãn công; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trong việc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, đình công; trách nhiệm xử lý những hành vi vi phạm trước, trong và sau khi đình công, lãn công; quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động, tập thể lao động trước, trong và sau khi đình công, lãn công...

Song song đó, các cấp, ngành chức năng cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng những người làm công tác hòa giải, trọng tài, thanh tra, kiểm tra, xét xử để phòng ngừa, giải quyết có hiệu quả, kịp thời những tranh chấp lao động và đình công, lãn công; vận động thành lập tổ chức công đoàn cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động công tác công đoàn; tổ chức và hướng dẫn đình công, lãn công theo đúng quy định pháp luật. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật về phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn... đến người lao động và người sử dụng lao động.

L.P

  • Từ khóa
108761

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu