Thứ 7, 20/04/2024 12:36:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:35, 25/07/2017 GMT+7

Làm gì để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính?

Thứ 3, 25/07/2017 | 15:35:00 357 lượt xem
BPO - Mất cân bằng giới tính ở Việt Nam ngày càng tăng cao và đang ở mức báo động. Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học, tác động đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Vậy giải pháp nào hữu hiệu nhất để giảm nhanh và bền vững sự mất cân bằng này?

Thực trạng và nguyên nhân:

Theo báo cáo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sau 1 năm thực hiện đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có thay đổi nhưng không đáng kể. Cụ thể là từ 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2015) giảm còn 112,2/100 (theo kết quả điều tra biến động dân số 2016).

Cũng theo báo cáo trên, 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi. Trong số này, có địa phương tỷ số giới tính khi sinh lên đến 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Còn theo số liệu thống kê của Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), hiện cả nước có 45 tỉnh, thành có tỷ số này tăng và ở mức cao đáng báo động (từ 115 trẻ trai/100 trẻ gái). Đồng bằng sông Hồng vẫn là vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao cao nhất cả nước. Ở Bình Phước, theo khảo sát chuyên ngành, hiện tại tỷ số giới tính khi sinh đã và đang ở mức báo động, cụ thể là trong năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Bình Phước là 112 nam/100 nữ.

Năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Bình Phước là 112 nam/100 nữ (hình minh họa) - Ảnh: Thái Hà

Vậy nguyên nhân của tình trạng trên là từ đâu? Theo các chuyên gia dân số thì nguyên nhân đầu tiên là do ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo truyền thống nối dõi tông đường, có người thờ cúng... đã làm tâm lý ưa thích con trai của người dân Việt Nam trở nên mãnh liệt. Tâm lý này được thể hiện rất rõ trong quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” - có con trai mới được xem là có con, không có con trai là tuyệt tự. Con sinh ra phải mang họ bố (ngoại trừ chế độ mẫu hệ). Quan niệm con trai - nơi nương tựa của cha mẹ lúc về già và “con gái là con người ta”, “con rể là khách”. Khi cha mẹ mất, dù là con gái đầu lòng cũng chỉ được đứng ở sau con trai; chỉ có cháu trai mới được bê bát hương ông bà, con trai mới được ra vào nơi thừa tự, góp giỗ tổ tiên. Bên cạnh đó, nguyên nhân “nghề của gia đình cần nhân lực lao động là nam giới” để làm kinh tế tốt hơn cũng là yếu tố quan trọng của lòng mong muốn có con trai.

Một nguyên nhân không nhỏ nữa là ngày nay, có nhiều người dân sử dụng những dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh hiện đại để can thiệp và chẩn đoán. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất cân bằng giới tính ở nước ta hiện nay. Vì có nhiều người vừa muốn sinh ít con lại vừa muốn có con trai nên họ đã lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện mong muốn này. Thậm chí, có không ít trường hợp khi đã có thai, người ta sử dụng siêu âm, chọc hút dịch ối... để chẩn đoán giới tính.

Giải pháp hữu hiệu - thực nghiệm các quy định của pháp luật:

Ngày 16-9-2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, các biện pháp thực hiện công tác dân số và tổ chức thực hiện công tác dân số. Theo đó, Nhà nước nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, như sau: Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức: tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi. Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm, loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác. Mức xử phạt cho các hành vi trên được quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP.

Cũng theo quy định tại nghị định này, hành vi vi phạm quy định về lựa chọn giới tính thai nhi sẽ bị xử phạt như sau:  Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn. Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; Cung cấp thuốc để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; Nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành ví dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

Phạt tiền từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

Như vậy, các chế tài ngăn chặn các hành vi liên quan trực tếp tới tình trạng mất cân bằng giới tính đã được quy định cụ thể, nhưng do việc thực thi không nghiêm, nên tình trạng này ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, giải pháp có hiệu quả cao nhất để ngăn chặn tình trạng trên là thực thi nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

NN

  • Từ khóa
59190

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu