Thứ 6, 29/03/2024 02:01:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:30, 06/12/2016 GMT+7

Làm đường, phải nghĩ tới dân

Thứ 3, 06/12/2016 | 09:30:00 87 lượt xem

BP - Vậy là sau hơn 3 năm chịu khổ vì hằng ngày phải leo trèo mới có thể vào được nhà mình, cũng đã có người ngã gãy tay, có người mất xe máy vì không đưa được vào nhà do đường quá dốc, hiện 16 hộ dân ấp Thủ Chánh, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành đã có được lời hứa là đến năm 2017, nhà nước sẽ làm đường dân sinh để họ có thể từ nhà mình lên được mặt đường mới - đường Hồ Chí Minh, mà không phải trầy trụa vì bị ngã.

Dẫu mừng vì được biết con đường dân sinh mà họ mong chờ sẽ được đưa vào gói thầu 45 và sắp triển khai, nhưng nhiều người vẫn lo vì gói thầu này xây dựng cầu vượt, phải mất thời gian dài mới xong, còn con đường dân sinh thì họ cần ngay bởi đã quá thấm thía nỗi khổ trong suốt 3 năm qua. Vì thế, người dân mong chờ nhà nước ưu tiên làm đường dân sinh trước.

Chuyện người dân ấp Thủ Chánh phải chịu khổ vì việc làm đường chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện làm đường khác, cả ở trong và ngoài tỉnh. Không ai phủ nhận khi nhà nước làm những con đường rộng sẽ góp phần cải thiện đáng kể đời sống mọi mặt của người dân. Có đường tốt, vận chuyển nông sản, hàng hóa và lưu thông sẽ dễ dàng hơn, giá đất lên và buôn bán, dịch vụ cũng thuận lợi. Và hơn hết là khi có những con đường khang trang, bộ mặt dân cư sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Thế nhưng có một thực tế là rất nhiều dự án giao thông, khi các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ triển khai thì họ chỉ tập trung vào mục đích làm đường mà không đếm xỉa gì tới việc làm đường sẽ gây khó khăn, thậm chí nguy hiểm cho người dân thế nào. Hẳn nhiều người còn nhớ dự án đường vành đai 1, đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái ở thành phố Hà Nội với chiều dài hơn nửa cây số, được báo chí đưa tin là có giá kỷ lục, 2 tỷ đồng/mét. Nhưng điều người viết muốn đề cập là sau khi đoạn đường hoàn thành thì nhà của nhiều hộ dân bị biến thành hầm, người dân phải bắc thang để ra khỏi nhà vì mặt đường cao hơn nhà từ 1-2m. Còn ở thành phố Hồ Chí Minh, từ khi có dự án nâng cấp đường Kinh Dương Vương ở phường An Lạc, quận Bình Tân thì cuộc sống của nhiều hộ dân bị đảo lộn, bởi con đường được nâng cao đã lấp từ một nửa đến gần hết cửa ra vào của nhà dân. Đường Kinh Dương Vương được nâng cấp là để chống ngập, nhưng oái oăm là khi đường được nâng lên thì mỗi khi triều cường nhà dân lại ngập sâu hơn và không biết làm cách nào để thoát nước vì đường cao hơn nhà dân có nơi tới 2m.

Nhưng đó là chuyện ở xa. Còn ở Bình Phước, dịp đầu năm ngoái, người dân các xã Thanh Lương (Bình Long) và Lộc Hưng, Lộc Thái (Lộc Ninh) đã phải quăng chướng ngại vật ra đường để cản xe ôtô chạy qua vì không thể chịu nổi tình trạng bụi đá bay vào nhà do con đường thi công quá ì ạch và chủ đầu tư không phun nước. Ở thị xã Đồng Xoài, suốt 2 tháng trời làm đường Trần Phú, các hộ dân phải chịu cảnh vô cùng bất tiện khi đơn vị thi công đổ đất đá chắn hết lối đi. Nhiều người phải gửi xe vì không thể dắt vào nhà. Đặc thù của đường Trần Phú là các căn nhà hai bên đều thấp hơn mặt đường. Thế nhưng đơn vị thi công không khuyến cáo người dân việc lắp đặt ống thoát nước. Khi bắt đầu lu lèn vỉa hè thì một số hộ mới nhớ ra cần phải lắp ống thoát nước và mạnh ai nấy làm, cả khu phố nháo nhào đào, lấp.

Làm đường là để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trước hết phải nghĩ tới người dân!

Linh Tâm

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu