Thứ 6, 19/04/2024 09:28:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:25, 28/01/2015 GMT+7

Làm đường nông thôn mới ở Bù Đăng năng động trong cơ chế đặc thù

Thứ 4, 28/01/2015 | 06:25:00 433 lượt xem
BP - “Điều quan trọng nhất khi làm đường giao thông nông thôn bằng xi măng là phải làm cho tốt công tác tuyên truyền và vận động sức dân. Việc huy động sức dân phải trên tinh thần tự nguyện, phải dựa vào mùa vụ” - ông Nguyễn Thế Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Đức Liễu, (Bù Đăng) chia sẻ kinh nghiệm sau hơn 2 năm triển khai làm đường giao thông nông thôn bằng bê tông theo cơ chế đặc thù.


Một góc đường giao thôn nông thôn ở thôn 3, xã Đức Liễu

Đến tận nhà máy chở xi măng về làm

Làm đường giao thông nông thôn bằng bê tông theo cơ chế đặc thù tại các xã nông thôn mới được tỉnh triển khai từ tháng 5-2014. Nhưng tại 2 xã Đức Liễu và Minh Hưng (Bù Đăng) vấn đề này đã được chính quyền xã phát động và người dân đồng thuận hưởng ứng từ hơn 2 năm qua. Đến nay, 2 xã đã hoàn thành 20 tuyến đường với tổng chiều dài gần 5km.

Điều đáng quý là trong khi quy định của tỉnh chỉ hỗ trợ xi măng (kể cả tiền vận chuyển), huyện hỗ trợ cát, đá và người dân đóng góp công sức, thì ở Đức Liễu, Minh Hưng đều huy động sức dân từ cát, đá, tiền vận chuyển xi măng từ Nhà máy xi măng Bình Phước về cùng tiền công lăn, lu...và được người dân đồng tình, tự nguyện hưởng ứng cao.

Ở thôn 8, xã Đức Liễu, từ 87 tấn xi măng do tỉnh hỗ trợ, thôn đã đầu tư làm 800m đường bê tông. Trong đó công, cát, đá, lu nền do 50 hộ dân trong thôn tự lo. Ngoài kinh phí 20 triệu đồng vận động một doanh nghiệp, còn lại 280 triệu đồng đều do dân đóng góp. Ông Hoàng Đức Thuận, Trưởng ấp 8, đúc kết nói: “Mức đóng góp dựa trên diện tích đất của từng hộ và chủ yếu nhờ hồ tiêu được giá nên người dân sẵn sàng ủng hộ. Mình phải biết cách vận động cho đúng mùa vụ, nhất là lúc được mùa, được giá, dân ta không nề hà gì”.

Sẽ nhân rộng điển hình

“Ở đây làm công khai, công bằng. Cán bộ, đảng viên trong thôn gương mẫu làm trước. Trước khi làm đường họp dân nhiều lần. Khi người dân đồng tình thì triển khai làm và có giám sát của toàn thể người dân. Vấn đề đóng góp rất bình đẳng. Nhà có 5m mặt tiền thì đóng 5m, có10m thì đóng theo kiểu 10m”.

Ông Phạm Văn Tiên, thôn 3, xã Đức Liễu.

Cũng với cách tuyên truyền, vận động, huy động sức dân như thế, nhưng điều đáng quý nữa là qua làm đường giao thông nông thôn bằng bê tông, nhiều hộ dân ở xã Minh Hưng đã chủ động đóng góp tiền của, hiến đất để làm đường. Hộ anh Bùi Văn Tuyền ở thôn 6 là một điển hình. Anh Tuyền chia sẻ: Con đường cạnh nhà anh, ngoài phần xi măng Nhà nước hỗ trợ, 12 hộ dân trong thôn còn đóng góp 180 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ 6 triệu đồng. Riêng hộ anh tự nguyện đóng gấp đôi. Bởi làm đường, thứ nhất mình hưởng lợi, thứ hai làm đẹp xóm làng.

Trong chuyến khảo sát, đánh giá mới đây về kết quả thực hiện làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù tại 2 xã Minh Hưng và Đức Liễu, Văn phòng Ban điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh và Ban quản lý chương trình nông thôn mới Bù Đăng đã đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền, sự hưởng ứng tích cực, tự nguyện của nhân dân 2 xã. Ông Lê Văn Ngọc, Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện Bù Đăng cho biết: Kết quả 2 xã Đức Liễu và Minh Hưng đạt được là bài học có ý nghĩa về tuyên truyền, vận động, huy động sức dân, kỹ thuật làm đường. Sắp tới chúng tôi tham mưu huyện đề nghị các xã trên địa bàn đến học tập, nhân rộng.

 Về 2 xã Minh Hưng, Đức Liễu hôm nay, nếu hỏi rằng qua nhiều năm xây dựng nông thôn mới, nơi đây đã có gì mới? Câu trả lời là đã có nhiều, nhưng ấn tượng và dễ dàng nhận thấy nhất là những con đường giao thông nông thôn làm bằng xi măng. Đó là những con đường được làm từ sức dân - con đường của ý Đảng, lòng dân. Việc giao thương, đi lại, làm ăn của người dân đã dễ dàng, thuận lợi hơn, qua đó góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn như mục tiêu chương trình nông thôn mới đề ra.

Quốc Phong

 

  • Từ khóa
41282

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu