Thứ 5, 25/04/2024 06:58:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 10:17, 02/09/2014 GMT+7

IS chặt đầu nhà báo nhằm những mục đích gì

Thứ 3, 02/09/2014 | 10:17:00 290 lượt xem
BPO - Các nhà phân tích cho rằng việc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết nhà báo Mỹ không chỉ để trả đũa Washington, mà còn nhằm tuyển mộ tân binh, răn đe dân thường và kích động phương Tây can thiệp quân sự vào Iraq và Syria.
2014-08-20T170526Z-1317973607-GM1EA8L02M

Nhà báo James Foley, người bị phiến quân Hồi giáo hành quyết. Ảnh: Reuters

Trong đoạn phim hành quyết nhà báo người Mỹ James Foley, tên lính của Nhà nước Hồi giáo (IS) mặc đồ đen, nói tiếng Anh giọng Anh tuyên bố đây là hành động trả đũa cho các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào IS trong thời gian gần đây tại Iraq.

Một nhà báo người Mỹ khác, Steven Sotloff cũng xuất hiện trong đoạn phim. Tên đao phủ cảnh báo rằng ông này cũng sẽ phải chịu chung số phận với Foley, nếu Mỹ duy trì chiến dịch quân sự chống lại lực lượng IS.

Dù IS tuyên bố rõ ràng mục đích của chúng khi công bố hình ảnh man rợ này là nhằm đáp trả cuộc không kích của Mỹ, các chuyên gia nghiên cứu khủng bố và thông điệp khủng bố Hồi giáo cho rằng đoạn phim còn hướng đến mục đích và đối tượng khác. 

Ngoài Tổng thống Obama,  người được nêu đích danh trong đoạn phim, thông điệp này còn nhắm đến các nhà lãnh đạo phương Tây, những người dân thường theo đạo Hồi có ý định chống lại IS, cũng như các thanh niên Hồi giáo cực đoan từ Anh đến Yemen đang muốn tham gia tổ chức này.

"Rõ ràng thông điệp này hướng đến nhiều người, không chỉ là Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo phương Tây", The Christian Science Monitordẫn lời Jerrold Post, giáo sư tâm lý học chính trị, Đại học George Washington, tác giả cuốn sách Tư duy của một tên khủng bố, nhận định. "Tôi cho rằng nó nhằm răn đe dân thường Hồi giáo rằng họ có thể bị hành quyết dã man giống như vậy", ông nói thêm.

"Đoạn phim này còn nhằm chiêu mộ tân binh, mời gọi những kẻ không chỉ thích thú trước sự tàn bạo mà còn bị lôi cuốn bởi biểu hiện của khả năng cầm đầu và uy quyền", ông nhận xét.

Thực tế, trong đoạn phim, kẻ hành quyết đã nói: "Các người đang không còn chiến đấu với một cuộc nổi dậy nữa, chúng tôi là một đội quân Hồi giáo". Theo các nhà phân tích, lực lượng này đang tuyên bố với thế giới rằng IS hiện giờ là một nhà nước thực sự. Chúng đang thực hiện quyền hạn của quốc gia, bắt đầu từ việc thiết lập quân đội, để thực thi cái gọi "công lý", trong đó có việc hành quyết những người vô tội.

Trong bài phát biểu hôm qua, tổng thống Obama phản đối tuyên bố này và sức ảnh hưởng của thông điệp đối với người dân Hồi giáo. Ông Obama nói thế giới kinh hoàng trước vụ hành hình Foley, đồng thời nhấn mạnh ông đã bày tỏ nỗi đau buồn của toàn thể quốc gia với gia đình nhà báo. Ông tiếp tục bài phát biểu bằng cách mô tả là sự trái ngược hoàn toàn giữa IS và những gì ông gọi là thế giới văn minh. Ông khẳng định "tầm nhìn trống rỗng" của tổ chức này có "không có chỗ trong thế kỷ 21".

Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố IS coi thường giá trị con người. Ông khẳng định tổ chức không đại diện cho tôn giáo nào khi nhấn mạnh phần lớn nạn nhân của lực lượng là người Hồi giáo. Ông dường như còn ám chỉ một số quốc gia Arab Sunni đã hỗ trợ phiến quân khi liệt kê các chính phủ và người dân trên khắp Trung Đông nằm trong số nạn nhân của IS.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, IS có thể coi việc kích thích Mỹ đưa ra tuyên bố nhanh chóng và nghiêm khắc là một thắng lợi của tổ chức này.

"Tất nhiên ông Obama phải phát biểu về vụ việc khủng khiếp vừa xảy ra, nhưng ông bị mắc vào một cái bẫy, bất cứ điều gì ông nói có thể phục vụ cho mục đích của chúng, vì nó giúp chúng chứng tỏ quyền lực", tiến sĩ Martha Crenshaw, chuyên gia chống khủng bố của Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế, Đại học Stanford, cho biết.

Tiến sĩ Crenshaw đã nghiên cứu quá trình phát triển IS từ gốc rễ là tổ chức Al Qaeda tại Iraq (AQI). Bà cho biết lực lượng này, khi vẫn hoạt động dưới danh nghĩa AQI, từng có thời gian ngừng sử dụng thủ đoạn chặt đầu và các biện pháp bạo lực quá khích khác. Bà không rõ tại sao phiến quân lại "quay lại đường cũ" với vụ hành quyết Foley.

"Lý do hợp lý là phiến quân cho rằng hành động này sẽ khiến người Mỹ khiếp sợ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nó sẽ làm bùng nổ sự phẫn nộ hơn là sợ hãi", bà nhận định. "Nó cũng có thể chỉ đơn giản là đòn trả đũa cho những thất bại của phe này dưới tay Mỹ, đây có thể chỉ là một hành động trả thù", bà nói thêm.

Tiến sĩ Post đồng ý với luận điểm này, cho rằng "ẩn dưới hành động ngang ngược của phiến quân là một sự liều lĩnh tuyệt vọng".

Theo bà Crenshaw, có khả năng một phần tư trong khoảng 12.000 tay chân của IS đến từ các nước phương Tây. Vì vậy, đoạn phim hành quyết Foley có thể coi như một công cụ chiêu mộ tân binh tiềm năng.

"Tôi nghĩ chúng ta phải coi đây như một đoạn phim tuyển mộ, mặc dù chúng ta khó có thể hiểu được sức thu hút của nó", bà nói. Việc chọn kẻ hành quyết là một người nói giọng Anh có thể nhằm gửi đi thông điệp với những người theo đạo Hồi ở châu Âu. Hắn đang thể hiện cho toàn thế giới thấy sức mạnh của mình và muốn lôi kéo những người khác làm như vậy", bà nói thêm.

Kích động phương Tây can thiệp

Cũng bàn luận về vụ hành quyết Foley, Tờ Sydney Morning Herald trích dẫn ý kiến của một số cựu đặc vụ an ninh quốc gia và chuyên gia chống khủng bố, cho rằng mục đích của đoạn phim là nhằm tạo ra sự phẫn nộ trong công chúng. Điều này sẽ khiến Mỹ và các đồng minh mở rộng chiến dịch quân sự tại Iraq và Syria, gồm cả lực lượng bộ binh.

"IS đang cố gắng khiêu khích phương Tây can thiệp vào tình hình Iraq và Syria", ông Clarke Jones, cựu đặc vụ an ninh quốc gia về chống khủng bố, công tác tại Đại học Quốc gia Australia cho biết. "Điều đó giúp chúng phát triển một câu chuyện mới mẻ và đáng tin cậy về việc phương Tây áp bức người Hồi giáo, tạo bước đệm giúp chúng thu hút một làn sóng tân binh", ông nói thêm.

Chuyên gia khủng bố nổi tiếng người Na Uy Thomas Hegghammer đồng ý với quan điểm này và nghi ngờ các cuộc tấn công vào Yazidis, người Kurd và vụ hành quyết Foley đều nằm trong chiến lược khiêu khích có chủ ý của phiến quân. "IS dường như đang làm mọi thứ có thể để đẩy Mỹ vào cuộc xung đột", ông viết trên mạng xã hội twitter.

Theo Greg Barton, chuyên gia khủng bố Đại học Monash, IS muốn người dân phương Tây phẫn nộ, gây áp lực để chính phủ phương Tây phải hành động.

"Một trong những tính toán của chúng là làm cho công chúng phương Tây ủng hộ một chiến dịch quân sự lớn hơn ở Iraq và Syria. Khi người dân phẫn nộ, họ có thể kêu gọi chính phủ thực hiện những động thái đáp trả quyết liệt", ông cho biết.

Bà Crenshaw chỉ ra rằng ngoài ông Sotloff, IS còn giam cầm các nhà báo và nhân viên cứu trợ khác. "Thật đáng buồn, tôi cho rằng các vụ hành quyết vẫn sẽ tiếp tục xảy ra.

Nguồn VnExpress

  • Từ khóa
71788

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu