Thứ 6, 19/04/2024 16:45:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:30, 26/03/2017 GMT+7

Quản lý thị trường tốt là thiết thực bảo vệ quyền lợi NTD

Chủ nhật, 26/03/2017 | 06:30:00 99 lượt xem
BP - Thời kỳ hội nhập ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh đa dạng mặt hàng và mẫu mã sản phẩm. Vì thế, chất lượng hàng hóa luôn là câu đố đối với người tiêu dùng (NTD). Để giúp “thượng đế” thoát khỏi “ma trận” của thị trường, thời gian qua các đội quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh đã ra quân kiểm tra và xử lý trường hợp vi phạm, giúp NTD yên tâm mua sắm.

Với chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, những năm qua, Đội QLTT số 7A (thuộc Chi cục QLTT tỉnh) đã đấu tranh làm tốt công tác phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, nhất là buôn bán hàng cấm, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp chân chính và NTD trong tỉnh.

Xây dựng thị trường lành mạnh

Năm qua, Đội QLTT số 7A đã kiểm tra 519 vụ, phát hiện 80 vụ vi phạm, phạt và nộp ngân sách nhà nước 351,665 triệu đồng. Đơn vị còn tham gia cùng Đoàn thanh tra 969 (do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì) kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 26 vụ, phát hiện 8 vụ vi phạm, phạt 91,5 triệu đồng. Để ổn định giá cả thị trường, giúp NTD yên tâm mua sắm, đội đã kiểm tra và phát hiện 19 vụ vi phạm về giá, phạt 3 triệu đồng. Các vụ vi phạm đa số mắc lỗi không niêm yết giá theo quy định trong lĩnh vực kinh doanh: Ăn uống, tạp hóa, vật liệu xây dựng, phụ tùng xe máy và các loại máy nông - ngư - cơ.

Đội quản lý thị trường số 7A kiểm tra các mặt hàng mỹ phẩm, bánh kẹo tại quán tạp hóa Anh ở phường Long Thủy, thị xã Phước Long

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đội đã kiểm tra 33 vụ về kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện 4 vụ vi phạm và xử phạt 60,937 triệu đồng. Trong đó, 2 vụ vi phạm do không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định và 2 vụ kinh doanh phân bón NPK có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng với số lượng 209 bao, đã xử phạt 45,937 triệu đồng và buộc tái chế lại số phân bón này. Về chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, đội đã kiểm tra và phát hiện 47 vụ vi phạm, phạt 245,1 triệu đồng. Nổi cộm nhất phải kể đến các vụ kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, thực phẩm quá hạn sử dụng, bình gas mini, mỹ phẩm không rõ xuất xứ...

Nhằm nâng cao ý thức NTD trong việc mua bán hàng hóa, ngoài kiểm tra, thanh tra, đội còn phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về đấu tranh phòng chống hàng giả, khuyến khích người dân hãy là NTD thông thái, đừng vì lợi ích trước mắt mà tạo cơ hội cho các mặt hàng kém chất lượng và doanh nghiệp kinh doanh không lành mạnh có cơ hội tồn tại.

Vì sức khỏe “thượng đế”

Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại “nóng” trên mọi diễn đàn thời gian qua, bởi tính chất những vụ việc vi phạm được phát hiện ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sức khỏe NTD. Năm 2016, chỉ riêng Đội QLTT số 7A đã phát hiện 6 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, phạt 21,6 triệu đồng. Trong đó, 5 vụ vi phạm lĩnh vực kinh doanh ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, còn lại là kinh doanh các loại trái cây nhập lậu, không rõ nguồn gốc với số lượng gần 150kg. Riêng 2 tháng đầu năm 2017, đội phát hiện 7 vụ vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực y tế, mỹ phẩm, thuốc lá điếu nhập lậu, xử phạt và nộp ngân sách nhà nước 41,5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, phụ trách Đội QLTT 7A cho biết: Năm 2017, đơn vị đặc biệt chú trọng lĩnh vực đăng ký kinh doanh, giấy phép đủ điều kiện kinh doanh; các quy định về ghi nhãn mác, niêm yết hàng hóa, dịch vụ. Ngoài kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công, ngành còn tăng cường kiểm tra, phát hiện các hành vi buôn bán rượu chứa cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu bị cấm pha chế rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn, quảng cáo, vi phạm về công bố hợp quy... Đơn vị còn chú trọng kiểm tra, xử lý việc tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh các thiết bị vô tuyến điện tử không rõ nguồn gốc chưa chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy; các thiết bị phá sóng (gây nhiễu thông tin di động, thiết bị phá sóng định vị vệ tinh (GPS)). Đồng thời, tăng cường kiểm tra các mặt hàng chủ lực, bán chạy theo thời vụ nhằm đảm bảo giá ổn định, chất lượng sản phẩm an toàn để người NTD yên tâm.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
41336

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu