Thứ 6, 19/04/2024 10:35:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:19, 06/09/2014 GMT+7

Kỳ vọng “cú hích” trong giáo dục và đào tạo

Thứ 7, 06/09/2014 | 09:19:00 157 lượt xem

BP - Nhân dịp khai giảng năm học mới 2014-2015, ngày 29-8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư gửi ngành giáo dục. Chủ tịch nước yêu cầu, năm học 2014-2015, ngành giáo dục cần tiếp tục phát huy và nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay của các điển hình tiên tiến; quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; tích cực triển khai có hiệu quả chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

2014-2015 là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thể hiện trên các mặt: công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; chính sách cho học sinh, sinh viên nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách được bổ sung kịp thời; việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trong năm 2014 nhận được sự đồng thuận của xã hội…

Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục, đó là công tác quản lý giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa; tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định vẫn chưa được kiểm soát và xử lý dứt điểm; lạm thu trong trường học chậm được khắc phục. Số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học còn hụt hẫng, bất cập; một bộ phận giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục… Đáng báo động hơn là tình trạng sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống, đánh mất tư cách nhà giáo của một số cán bộ, giáo viên thể hiện bằng những hành động, việc làm vi phạm pháp luật để dư luận lên án gay gắt.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Không thầy đố trò làm nên”. Điều đó đồng nghĩa với việc xã hội ta trong bất kỳ giai đoạn nào cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của người thầy và đội ngũ cán bộ quản lý trong sự nghiệp “trồng người”. Để đáp lại sự kỳ vọng đó, ngành giáo dục phải sàng lọc và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ, giáo viên không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời tích cực triển khai hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đối với việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá đúng năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển vững mạnh có vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng giáo dục các cấp học, từ đó giáo dục con người phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quá trình hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội, trong đó đóng vai trò trung tâm là ngành giáo dục, chúng ta kỳ vọng sẽ tạo ra một “cú hích” trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà.

Nguyễn Bảo

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu