Thứ 4, 24/04/2024 05:08:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:18, 11/04/2015 GMT+7

Kỹ sư trẻ Lê Viết Tấn đam mê sáng tạo

Thứ 7, 11/04/2015 | 10:18:00 138 lượt xem
BP - Đón chúng tôi ở cổng Nhà máy chế biến Trung Tâm thuộc Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng là chàng trai có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt trẻ hơn so với tuổi 28. Đó là kỹ sư Lê Viết Tấn - người được tuyên dương tại festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ V năm 2012 với đề tài nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ hồ liên hoàn kết hợp bể phản ứng hiếu khí để xử lý nước thải chế biến cao su mà không sử dụng hóa chất”; giải thưởng Sao Phú Riềng Đỏ tỉnh Bình Phước năm 2014.

Anh Tấn đã áp dụng thành công ứng dụng công nghệ vào xử lý nước thải chế biến cao su tại nhà máy. Qua các công đoạn xử lý hiếu khí và ổn định nước liên tục, nước thải sau xử lý không còn mùi hôi, màu trong và đạt tiêu chuẩn loại A của nước thải ngành cao su.

ĐAM MÊ SÁNG TẠO

Để có thành quả như hôm nay, anh Tấn đã trải qua rất nhiều khó khăn, có cả thất bại nhưng chưa bao giờ làm anh nản chí. Năm 2009, tốt nghiệp Đại học công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, anh Lê Viết Tấn về công tác tại Nhà máy chế biến Trung Tâm. Ngày đầu nhận việc, anh được cấp trên giao nhiệm vụ khá khó khăn. Đó là phụ trách hệ thống xử lý nước thải cao su. Cũng như nhiều “tân binh” khác, anh Tấn bỡ ngỡ khi hoạt động của nhà máy khác xa so với kiến thức được học trong trường. Khu vực xử lý nước thải còn sơ sài, nước sau xử lý chưa đạt tiêu chuẩn của ngành. Nhà máy có 3 dây chuyền sản xuất: mủ tinh, mủ tạp và mủ kem. Do đặc tính sản xuất mỗi dây chuyền khác nhau nên nước thải cũng khác. Vì vậy, để xử lý đồng thời 3 dòng nước thải này là bài toán khó. Với kiến thức của kỹ sư công nghệ hóa, để bảo vệ môi trường anh Tấn mạnh dạn đề xuất giải pháp xử lý nước thải không sử dụng hóa chất. Đồng thời, anh cũng xin gia hạn 1 tháng để làm quen, nghiên cứu và xây dựng mô hình xử lý hiệu quả, an toàn.

Kỹ sư Lê Viết Tấn kiểm tra trạng thái mủ, lấy mẫu hàm lượng của các xe vận chuyển nguyên liệu và các hộ bán mủ cho nhà máy

Anh bắt đầu thí nghiệm trên mô hình nhỏ, trong điều kiện vật chất thiếu thốn, không phòng thí nghiệm, thiết bị cũ kỹ. Quá trình thực hiện cũng phát sinh nhiều vấn đề, như: vi sinh bị chết do quá tải, việc kiểm tra chỉ tiêu gặp nhiều khó khăn, cần chuyển đến các nhà máy khác đo đạc, mẫu nước sau xử lý phải đưa đến trung tâm đo lường kiểm định... Mỗi lần thất bại, anh Tấn cẩn thận ghi chép lại nguyên nhân, rút kinh nghiệm và tìm cách khắc phục. Kết quả, sau 10 ngày đêm làm việc không nghỉ, đề tài “Ứng dụng công nghệ hồ liên hoàn kết hợp bể phản ứng hiếu khí để xử lý nước thải chế biến cao su mà không cần sử dụng hóa chất” của anh Lê Viết Tấn cơ bản hoàn thành.

HIỆU QUẢ BẤT NGỜ

Ứng dụng ra đời đã giải được bài toán khó về khâu xử lý nước thải cao su. Đây cũng là nhà máy chế biến cao su đầu tiên sử dụng phương pháp xử lý nước thải không dùng hóa chất trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2012, nước thải sau xử lý của nhà máy đạt loại B nước thải ngành cao su. Và cũng trong năm này, hiệu quả thực tế của hệ thống xử lý nước thải đã đem đến cho anh Tấn giải thưởng tại festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ V do Trung ương Đoàn tổ chức. Năm 2013-2014, anh Tấn cùng nhóm kỹ sư Đinh Nguyễn Mạnh Hà và Nguyễn Quốc Toàn bổ sung, hoàn thiện ứng dụng, đưa nước thải sau xử lý không còn mùi hôi, màu trong đạt tiêu chuẩn loại A.

Dẫn chúng tôi tham quan khu vực xử lý nước thải cao su của nhà máy, anh Tấn giải thích cụ thể quy trình vận hành ứng dụng hồ liên hoàn. Ở đầu đường cống thoát nước thải của mỗi dây chuyền sản xuất đều có bồn chứa nuôi vi sinh thiếu khí xả nhỏ giọt liên tục vào dòng nước thải để giảm mùi hôi của hệ thống và phân hủy bớt một phần chất hữu cơ trong nước thải. Đồng thời, để đảm bảo mật độ vi sinh khử mùi và kỵ khí, nước thải sẽ được bơm hồi lưu từ bể điều hòa quay lại đầu các nguồn thải mủ tinh, mủ kem. Nước thải sau xử lý của nhà máy không còn mùi hôi, đạt tiêu chuẩn loại A và được phép xả thẳng ra môi trường. Hiện nay, lưu lượng xử lý nước thải của 3 dây chuyền sản xuất đạt mức cao nhất là 2.200m3/ngày đêm và hiện đang hoạt động với công suất trung bình 1.500m3/ngày đêm.

Hiện tại, anh Tấn đã chuyển sang bộ phận tiếp nhận nhiên liệu của Nhà máy chế biến Trung tâm nhưng anh luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp ở khu xử lý nước thải. “Có thời gian rảnh, anh Tấn lại xuống kiểm tra hệ thống, cùng các kỹ sư tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện ứng dụng. Chúng tôi mong muốn nước thải sau xử lý đạt chuẩn Bộ Y tế và sẽ tái sử dụng được trong sinh hoạt thường ngày” - kỹ sư Đinh Nguyễn Mạnh Hà cho biết.

Thanh Thủy

  • Từ khóa
83498

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu