Thứ 6, 29/03/2024 01:35:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:51, 29/12/2011 GMT+7

Bình Phước: Kỳ tích một chặng đường

Thứ 5, 29/12/2011 | 15:51:00 2,326 lượt xem

Ngày ấy nghe nói đến Sông Bé là người ta rờn rợn nghĩ đến rừng núi và sốt rét. Cái địa danh gắn liền với những đồn điền cao su và những người dân công tra từ thời Pháp thuộc. Dân công tra bị bóc lột, đánh đập trong những đồn điền Hớn Quản, Lộc Ninh, Phú Riềng. “Cao su xanh tốt lạ đời/ Mỗi cây bón một xác người công nhân”, “Cao su xanh tốt lạ thường/ Khi đi trai tráng khi về bủng beo”.

Cái vùng đất đẫm máu và nước mắt ấy sau này lại gắn liền với nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Làng Ba. Nơi đây gắn với cuộc nổi dậy của Điểu Ong và căn cứ địa cách mạng của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.

Ừ, đã 15 mùa xuân rồi còn gì. Ngày vùng đất này mới được tái lập tỉnh, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy đã tiễn chúng tôi đến tận cầu Sông Bé.

Nói sao hết được tình cảm trong phút lưu luyến chia tay! Chúng tôi trở lại với vùng đất anh hùng. Những địa danh của Đồng Xoài rực lửa, Phước Long chiến thắng.

Tôi có cảm giác như bước vào một trận địa mới. Trận địa của những người đi xây dựng vùng đất mới trong ngày tái lập tỉnh.

Ngày ấy tuyến đường ĐT 741, QL 13, QL 14 vẫn còn hằn vết đạn pháo. Sau hơn 20 năm vết tích chiến tranh vẫn còn đó. Ở Bình Long vẫn còn tòa nhà chi chít vết đạn bị bỏ hoang. Phía bệnh viện có khu mộ 3.000 người bị địch cho máy bay thảm sát. Trước cổng Thủy điện Thác Mơ có bia tưởng niệm 300 người. Chiếc máy bay lỗ chỗ vết đạn của địch vẫn còn nằm ở thị trấn Thác Mơ. Dọc về Lộc Ninh vẫn còn tòa nhà của các ông chủ đồn điền thời Pháp xây dựng để khai thác mủ cao su. Về sóc Bom Bo vẫn mang theo hồi ức trong bài hát của nhạc sĩ Xuân Hồng viết về đồng bào giã gạo nuôi quân…

Vùng đất anh hùng này là cửa ngõ để những binh đoàn từ Tây nguyên theo QL 14 (đường mòn Hồ Chí Minh) tiến vào Sài Gòn. Vì vậy Phước Long được giải phóng trước. Bù Gia Mập là nơi tập kết xe tăng. Sau mấy ngày đêm chiến đấu, Đồng Xoài rực lửa đã được giải phóng. Mặt trận Bình Long cũng thắng lớn. Thượng tướng Trần Văn Trà, nữ tướng Nguyễn Thị Định và các nhà lãnh đạo tại thủ phủ Cách mạng Cộng hòa miền Nam Việt Nam đóng tại Tà Thiết (Lộc Ninh) đã tính đến việc tiếp quản Sài Gòn.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan (thứ hai bên phải) thăm Hội trường Bộ chỉ huy Miền tại Tà Thiết (Lộc Ninh)

Chúng tôi đi trên vùng đất mà những chiến công đã đi vào huyền thoại. Hòa bình rồi lại trăn trở làm thế nào để mảnh đất này làm nên huyền thoại thứ hai trong giai đoạn đổi mới xây dựng và phát triển.

Anh Bùi Thanh Phong, Bí thư tỉnh ủy (lúc ấy) liên tục thực hiện các chuyến đi cơ sở. Anh đến tận các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chia sẻ khó khăn và nghĩ cách xóa đói giảm nghèo. Chơn Thành - Bình Long là những vùng đất mà anh đã nằm vùng trong kháng chiến. Đồng bào gọi anh là Năm Phong. Có người kể địch đã treo giá tiền thưởng nếu ai “lấy được cái đầu của Năm Phong”.

Hòa bình đã hơn 20 năm nhưng Bình Phước ngày mới tái lập tỉnh vẫn còn nghèo. Sự thật có vùng đồng bào dân tộc Xê tiêng tại An Khương đã kéo xuống thành phố để xin ăn. Lãnh đạo tỉnh đã liên tục thực hiện các chuyến đi về cơ sở và đặt ra nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo cho đồng bào.

Bây giờ đồng bào ở An Khương đã có nhà xây, đất sản xuất, nhiều gia đình vươn lên làm giàu.

Đồng chí Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư tỉnh ủy cho biết: Khi mới tái lập tỉnh năm 1997, nhìn chung, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh vẫn còn chậm phát triển. Đời sống của bà con các dân tộc còn rất nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ đói nghèo còn ở mức cao. Để giải quyết tình trạng đó, Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU, ngày 16-5-2003 về công tác dân tộc; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, VIII, IX đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tập trung mọi nguồn lực cho công tác phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến nay, cùng kết hợp với các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia của Trung ương, tỉnh cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các tuyến đường giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch và các trung tâm cụm xã. Tỉnh đã hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và làm nhà ở cho hơn 10.000 hộ. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng hoàn thiện. 100% số xã có đường ô tô tới trung tâm xã; 100% xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; 87% số hộ được sử dụng điện sinh hoạt; 84% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh…

Ngày mới tái lập tỉnh, tổng thu ngân sách toàn tỉnh là 170 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu cho biết: Thu ngân sách của Bình Phước hiện đã đạt 1.700 tỷ đồng. Cây cao su chiếm vị trí số 1 trong cả nước về chất lượng, sản lượng và diện tích. Bình Phước hình thành 3 khu công nghiệp lớn là Đồng Phú, Tân Thành và Minh Hưng. Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.

Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng còn cho biết thêm: Ngoài các giải pháp trên, tỉnh Bình Phước đang quyết tâm thực hiện trồng cho được 4.000 ha cây cao su để tạo quỹ xóa đói giảm nghèo.

Tiếng gọi trở về vùng đất huyền thoại này đang giục giã tôi. Vùng đất ấy đã lập được kỳ tích trong kháng chiến và hiện nay đang từng ngày vươn lên trong đổi mới.

Tiếng reo của Thủy điện Thác Mơ, Thủy điện Sork Phu Miêng, Thủy điện Cần Đơn… đã mang ánh sáng đến từng sóc, ấp của đồng bào. Các công ty cao su đang hối hả khai thác sản lượng chạy đua về đích.

 

 

 

 

Tuyết Minh

  • Từ khóa
3994

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu