Thứ 6, 29/03/2024 14:42:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:30, 30/04/2017 GMT+7

Kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam: Hồi sinh trên vùng đất Anh hùng

Nguồn TTXVN
Chủ nhật, 30/04/2017 | 15:30:00 1,875 lượt xem
BPO - Những ngày tháng Tư, chúng tôi có dịp trở lại xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), mảnh đất gắn liền với tên tuổi nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng (tức chị Sứ) - biểu tượng người con gái miền Nam trong những năm tháng gian khổ đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thổ Sơn Nguyễn Quốc Đoàn đưa chúng tôi đi thăm một số khu di tích ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Thổ Sơn nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung. 

Khu di tích lịch sử Hòn Đất có tên gọi Ba Hòn, bao gồm Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Quéo, là căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp của dân tộc, được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1989. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, vùng Ba Hòn là căn cứ kháng chiến, cơ sở hoạt động của huyện Châu Thành A và thị xã Rạch Giá. Tất cả các cơ quan của huyện Châu Thành A như Huyện ủy, Ban Tuyên huấn, Ủy ban lâm thời, Huyện đội, Công an, y tế… đều đặt tại Hòn Me và Hòn Đất để chỉ đạo, lãnh đạo phong trào cách mạng. 

Điều đặc biệt, các cơ quan nói trên không dựng nhà, xây lán trại mà sử dụng những hang đá tự nhiên để ẩn náu, tránh bom đạn và chiến đấu chống lại các cuộc càn quyét của Mỹ - Ngụy. Từ những vòm đá lộ thiên, đi sâu vào bên trong là một vùng địa đạo với hàng trăm, hàng ngàn khe đá, hốc đá thông nhau, chạy len lỏi khắp một vùng gần sát chân Hòn. Nhờ địa thế này, trong những năm đánh Mỹ, Hòn Đất đã được các lực lượng vũ trang huyện Châu Thành A sử dụng như một cứ điểm phòng ngự vững chắc. Đây là địa điểm của các cơ quan chỉ đạo kháng chiến huyện Hòn Đất; nhiều đơn vị thanh niên xung phong hoạt động trên tuyến đường 1C tập kết. Đồng thời là nơi dừng chân của các đơn vị bộ đội chủ lực trên đường hành quân về vùng đất U Minh Cà Mau.

Trong những thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến đấu, Hòn Đất là nơi đọ sức quyết tử giữa ta và địch. Tại đây, quân và dân đã dựa vào địa hình hiểm trở của từng hốc đá, hang đá rồi dụ địch đến đánh, biến Hòn Đất thành mồ chôn mọi ý đồ xâm lược của Mỹ - Ngụy. Nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt như trận đánh 11 ngày đêm năm 1962; trận đánh 78 ngày đêm năm 1969, trận đánh 132 ngày đêm năm 1971... Tháng 8-1995, quân và dân Thổ Sơn vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Ông Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, sau khi đất nước thống nhất, cuộc sống của người dân Thổ Sơn gặp nhiều khó khăn, nhất là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 43% dân số. Có thời điểm hộ nghèo ở Thổ Sơn chiếm trên 40%. Tiếp nối tiếp truyền thống của cha ông, sau 42 năm xây dựng và phát triển, Thổ Sơn hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường cát bụi lầy lội ngày nào giờ được thay thế bằng đường nhựa, bê tông hóa thông thoáng. Những cây cầu nông thôn cũng được đầu tư xây dựng nối liền huyết mạch từ Thổ Sơn đến các xã trong huyện và nối với Quốc lộ 80... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Cùng với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền Thổ Sơn đặc biệt quan tâm hỗ trợ bà con phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả. Các mô hình như nuôi tôm công nghiệp, tôm - lúa chuyên canh, trồng màu kết hợp vườn cây ăn trái đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Ngoài ra, nông dân Thổ Sơn còn được hướng dẫn chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng ngày tăng (năng suất lúa đạt trung bình từ 5,8 - 6 tấn/ha/vụ). 

Ông Nguyễn Văn Kim, ngụ ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn cho biết, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hiện nay người dân Thổ Sơn không chỉ giỏi về sản xuất nông nghiệp mà còn biết khai thác lợi thế vùng ven biển để phát triển kinh tế. 
Theo ông Nguyễn Quốc Đoàn, sau 5 năm thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, đến nay Thổ Sơn đã hoàn thành 13 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 27 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 13% theo tiêu chí mới. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người chưa cao nhưng với vùng đất còn nhiều khó khăn như Thổ Sơn, con số này cũng đạt trung bình khá so với các xã khác trong tỉnh. 
Mặc dù còn nhiều gian khó nhưng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, chắc chắn Thổ Sơn sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn nữa để xứng đáng là một xã Anh hùng.

  • Từ khóa
17765

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu