Thứ 5, 18/04/2024 20:35:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:44, 15/12/2017 GMT+7

Bỏ ghi hình thức đào tạo vào văn bằng đại học - nên thận trọng!

Thứ 6, 15/12/2017 | 14:44:00 174 lượt xem

BP - Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Luật Giáo dục đại học (ĐH) sửa đổi, sẽ không ghi lên văn bằng loại hình thức đào tạo chính quy hay vừa làm vừa học (tại chức) đã thu hút sự quan tâm của các cơ sở giáo dục ĐH, người học và những ai quan tâm đến chất lượng GD-ĐT. Hầu hết đều tỏ ra quan ngại khi thực tế hiển nhiên dễ thấy là chất lượng đầu vào, đầu ra và quá trình học tập của hệ tại chức còn quá nhiều bất cập, dễ dãi hơn rất nhiều so với hệ đào tạo chính quy.

Không ai dám khẳng định, tất cả người học tại chức đều học dở hơn chính quy. Bởi vì nhiều lý do mà một số người giỏi vẫn phải chọn hình thức đào tạo tại chức để hoàn thiện sự học. Tuy nhiên, thời gian qua, lối đào tạo tại chức chủ yếu để hợp thức hóa tấm bằng vì những mục đích khác nhau nên phần lớn hiệu quả mang lại không cao. Nhiều năm trước, ở Bình Phước giáo viên hệ đào tạo 9+3, 12+2... đã đổ xô đi học ĐH từ xa do ĐH Huế mở tại tỉnh chỉ với mục đích “chuẩn hóa” bằng cấp. Vậy mấy ai trong số đó dám khẳng định bản thân giỏi hơn từ quá trình học này?

Việc tỉnh Quảng Ngãi loại khỏi quy hoạch những người sinh từ năm 1976 tới nay chưa có bằng ĐH chính quy, kể cả những người có bằng thạc sĩ nhưng học ĐH tại chức cũng đã cho thấy nhận định của tỉnh rằng, trình độ học tại chức và chính quy đang có một khoảng cách rất xa. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ khẳng định: Quy định này hơi muộn. Đúng ra, cần quy định thời gian tuổi phải trước năm 1975, có như vậy mới sớm lựa chọn được đội ngũ cán bộ có nền kiến thức tốt. Ông Lê Viết Chữ vẫn nhắc đi nhắc lại vấn đề bằng cấp chỉ là một chuyện, không phải căn cứ vào bằng cấp nói người này giỏi, người kia không giỏi. Nhưng theo mặt bằng chung, đối với người học ĐH chính quy, họ có năng lực, trí tuệ nhất định, được sàng lọc qua kỳ thi quốc gia, điều này khác hoàn toàn so với người học ĐH tại chức. Còn người tốt nghiệp ĐH chính quy ra làm việc cũng cần phải rèn luyện, phấn đấu mới trở thành cán bộ tốt được. Qua đó cho thấy, lãnh đạo tỉnh Quảng  Ngãi đã xem bằng ĐH chính quy là điều kiện cần thiết để quy hoạch cán bộ cùng với yêu cầu năng lực thực tiễn, việc vận dụng lý thuyết vào thực tiễn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì thế mà tạo được sự nhất trí cao.

Trở lại đề xuất của Bộ GD-ĐT, hầu hết ý kiến không đồng tình. Việc lo lắng chất lượng chính quy - tại chức bị “đánh đồng” là có cơ sở. Bên cạnh học sinh muốn vào trường ĐH “top” đầu đã phải nỗ lực rất nhiều, mệt mỏi tranh đua, nếu bị đặt ngang hàng với học tại chức, dễ từ điểm đầu vào, đầu ra đến quá trình học, vô tình tạo ra kiểu đánh giá “vàng thau lẫn lộn”. Như vậy liệu có phải sẽ triệt tiêu quá trình phấn đấu của những người tài thực sự, muốn học tập thực chất từ mô hình đào tạo chính quy? Đó là chưa kể, khả năng đổ xô đi học tại chức vì cho rằng dễ trúng, dễ học và dễ được bằng khá, giỏi sẽ xảy ra khi chẳng biết anh được đào tạo theo hình thức nào? Theo đó, hệ lụy chất lượng nguồn nhân lực lại trở thành gánh nặng khó gỡ...

Chính vì thế, khi chưa đồng nhất hệ thống dạy và học cũng như kiểm tra, đánh giá chất lượng thì không nên xóa bỏ việc ghi hình thức đào tạo lên văn bằng. Có như vậy, uy tín nhà trường, thương hiệu đào tạo để thu hút người học đúng trình độ, năng lực mới tiếp tục được khẳng định, phát huy.

An Nhiên

  • Từ khóa
33607

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu