Thứ 6, 19/04/2024 06:20:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:01, 08/05/2013 GMT+7

Kinh tế trang trại ở Chơn Thành chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn: Thời tiết, kỹ thuật và thị trường

Thứ 4, 08/05/2013 | 09:01:00 145 lượt xem

Chơn Thành là huyện có tốc độ phát triển kinh tế trang trại vừa và nhỏ cao nhất tỉnh. Bên cạnh việc tạo thu nhập cho hộ gia đình, việc làm cho người lao động nhập cư, kinh tế trang trại ở Chơn Thành vẫn đứng trước nhiều thách thức.

CÓ THÀNH CÔNG

Năm 2000, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ ở ấp 5, xã Minh Lập bắt đầu sản xuất kinh tế theo hướng mới. Để trang trại của gia đình phong phú, bà Lệ trồng nhiều loại cây khác nhau như điều, cao su, hồ tiêu, quýt đường, tắc và chăn nuôi heo, gà...

Quýt đường được chọn làm cây trồng chủ lực của gia đình bà Lệ. Đây là loại cây thích hợp với đất ở gần vùng sông, suối, nơi có nguồn nước tưới. Bà Lệ đến tận tỉnh Bến Tre để mua cây giống và học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn trồng cây ăn trái. Bà còn học hỏi kinh nghiệm từ kỹ sư nông học, cán bộ khuyến nông và kinh nghiệm của các nhà phân phối phân bón. Nhờ tìm hiểu kỹ đặc tính phát triển và chăm sóc tốt, vườn quýt của bà Lệ đạt năng suất cao (bình quân 30 tấn trái/ha/năm). Từ cây quýt đường, gia đình bà Lệ thu lời khoảng 750 triệu đồng/năm.

Ngoài quýt đường, trang trại của gia đình bà Lệ còn thành công nhờ mô hình trồng tiêu Vĩnh Linh, cây tắc, cao su và điều. Nhờ đa dạng cây trồng, gia đình bà Lệ thu lời khoảng 1,3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động.

Trang trại đa canh này còn nuôi gà và heo thương phẩm. Mỗi năm, bà Lệ nuôi khoảng 15 con heo nái, 300 heo thương phẩm, 500 gà thịt. “Số tiền lời từ chăn nuôi không nhiều, nhưng lượng phân gà, heo là nguồn hữu cơ cung cấp cho cây rất tốt”, bà Lệ chia sẻ.

NHƯNG NHIỀU THỬ THÁCH

Bên cạnh những thành công về thu nhập cho hộ gia đình, giải quyết việc làm cho lao động nhập cư, kinh tế trang trại ở Chơn Thành còn gặp không ít khó khăn từ thiên nhiên, kỹ thuật chăm sóc và biến động của giá thị trường.

Năm 2012, Chơn Thành có 227 trang trại trồng trọt, 26 trại chăn nuôi, 2 trang trại tổng hợp. Hồ tiêu là loại cây cho lợi nhuận cao nhất, từ 200 đến 210 triệu đồng/ha/năm. Tiếp đến là cao su khoảng 80 triệu đồng/ha/năm. Nuôi gia súc, gia cầm đạt trung bình 80 triệu đồng/trại/năm. Các trang trại trong huyện giải quyết việc làm cho trên 1.200 lao động.

Mùa trái cây năm 2013, trang trại 18 ha (ở ấp 3, thị trấn Chơn Thành) do ông Nguyễn Văn Năng quản lý dường như mất trắng. Gần vào chính vụ, nhưng tỷ lệ hoa nở, đậu trái của vườn sầu riêng chỉ lác đác. Những gốc mít, chôm chôm, mãng cầu... cũng tương tự. Ông Năng cho biết: Dù mỗi ngày trang trại có 10 nhân công chăm sóc, tưới nước, bón phân đầy đủ, nhưng vụ năm nay vẫn mất trắng. Nguyên nhân thất mùa được ông Năng và công nhân đưa ra: Đất của trang trại cứng và khô, không phù hợp trồng cây ăn trái. Ông Năng dự tính sẽ chuyển đổi sang trồng cao su vào đầu mùa mưa năm nay.

Chơn Thành hiện có 26 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm dạng cổ phần (nuôi khoán cho công ty). Dù không phải bỏ tiền mua con giống, thức ăn, được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc nhưng người nuôi gặp nhiều khó khăn khi đối diện với chất lượng giống và phòng chống dịch bệnh.

Năm 2009, anh Võ Ái Quốc ở khu phố 4, thị trấn Chơn Thành đầu tư 750 triệu đồng làm 2 trại chăn nuôi heo dạng cổ phần. Mỗi năm, anh Quốc nhận nuôi từ 1.000 đến 1.200 heo thành phẩm. Tuy nhiên, sau 4 năm vất vả, anh Quốc chưa thu về được nửa số vốn đã bỏ ra. “Nếu nhận phải đợt giống không tốt, phát sinh dịch bệnh khiến heo chậm lớn, người nuôi sẽ lỗ tiền công, chưa tính đến tiền điện, nước và tiền thuê thêm nhân công phụ việc”, anh Quốc tâm sự.

Anh Lê Viết Dũng, phụ trách khối kinh tế trang trại huyện Chơn Thành cho biết: Năm 2012, các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, song giá sản phẩm của nông dân lại giảm. Xu hướng mất mùa, được giá; mất giá, được mùa khiến nông dân luống cuống xoay trong vòng luẩn quẩn, rất khó tháo gỡ.

Để kinh tế trang trại ở Chơn Thành phát triển, người dân rất mong nhận được sự hỗ trợ đồng bộ về vốn sản xuất, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và đầu ra cho sản phẩm từ các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu làm được điều này, kinh tế trang trại sẽ đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của kinh tế huyện Chơn Thành, làm giàu cho nông dân và tạo việc làm cho nhiều lao động trong tương lai.  

Tường Linh

 

  • Từ khóa
36469

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu