Thứ 5, 25/04/2024 06:06:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:30, 25/06/2013 GMT+7

Kinh nghiệm xã hội hóa làm đường, kéo điện ở xã Tân Hưng

Thứ 3, 25/06/2013 | 14:30:00 209 lượt xem

Không chờ đợi sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân các ấp ở xã Tân Hưng (Hớn Quản) đã cùng nhau đóng góp tiền, ngày công để làm đường, kéo điện phục vụ cuộc sống, làm đổi thay diện mạo cả một vùng quê.

LÀM ĐƯỜNG, ĐƯA ĐIỆN VỀ TẬN NHÀ DÂN

Dẫn tôi đi trên những con đường bằng phẳng, được rải lớp sỏi mới, ông Trần Minh Thắng, Phó bí thư chi bộ ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng, vui mừng nói: Bây giờ đường dẫn vào các tổ của ấp đã dễ đi, chứ trước đây ổ gà, ổ voi nhiều lắm. Mùa nắng thì bụi mù, trời mưa thì nước ngập, trơn trượt và chuyện người dân bị ngã xe do đường xấu diễn ra thường xuyên.


Ông Trần Minh Thắng hào hứng kể về con đường xã hội hóa ở ấp Sóc Quả

Theo người dân Sóc Quả, suốt thời gian dài những con đường xuống cấp có thể nhìn thấy dễ dàng ở các khu Sóc Quả, Sóc Ứng, Vườn Ươm và Làng Thái. Do địa hình đồi dốc nên năm nào nhân dân các tổ cũng bàn nhau làm đường, sửa đường nhưng qua một mùa mưa là đâu lại vào đó. Tiêu tốn nhiều công sức, tiền của, thời gian nhưng vẫn không có đường tốt để đi và phục vụ thông thương hàng hóa. Người dân Sóc Quả nhiều lần kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri với mong muốn được Nhà nước đầu tư. Ước mơ có một con đường đúng nghĩa để đi, có điện chiếu sáng là bức xúc của đa số người dân trong ấp.

Không chờ đợi vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, với phương châm “tự cứu lấy mình”, năm 2012, chi bộ ấp Sóc Quả đã bàn bạc và ra nghị quyết vận động nhân dân làm đường, kéo điện phục vụ cuộc sống. “Khát” đường, thiếu điện nên khi họp bàn nhân dân trong ấp đều thống nhất cao với chủ trương này.

Ông Thắng kể: Về đường đi, chúng tôi nhận thấy phải nâng cấp trước khi hư hỏng quá nhiều, tức phải làm cống, lu nền và rải sỏi. Về điện, sau khi gặp chủ đầu tư, tham khảo và khảo sát, họ đã báo giá với con số tiền tỷ. Số tiền quá lớn trong khi đời sống người dân còn khó khăn nên chúng tôi tính toán, cân nhắc rất nhiều. Nhưng phấn khởi là lòng dân đã thuận!

Hiện con đường vào Sóc Quả - Sóc Ứng đã hoàn thành dài 3,5km, với tổng kinh phí 110 triệu đồng, trong đó gia đình ông Thắng ủng hộ 35 triệu đồng, còn lại mỗi hộ dân đóng góp ít nhất 500 ngàn đồng; đường Vườn Ươm dài hơn 2km với tổng kinh phí 125 triệu đồng, mỗi hộ đóng góp 1,7 triệu đồng; hoàn thành con đường Làng Thái dài 1km mỗi hộ góp 1 triệu đồng... Một số người dân cho biết: Tiền đóng góp làm đường ít hơn tiền kéo điện, nhưng với các hộ khó khăn là một số tiền lớn. Vậy mà khi lên kế hoạch đóng tiền kéo điện (trung bình mỗi hộ 12 triệu đồng), nhân dân đã góp tiền rất nhanh, hầu hết không có ý kiến thắc mắc. Đến nay công trình đường điện Sóc Quả - Sóc Ứng đã hoàn thành với tổng giá trị 2,2 tỷ đồng; khu Vườn Ươm đang tiến hành với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, nhân dân đã đóng góp được hơn 300 triệu đồng.

CẦN SỰ QUYẾT TÂM

Thăm căn nhà khang trang của chị Lê Thị Lan Hương ở ấp Sóc Quả với đầy đủ tiện nghi, chị bày tỏ: Gia đình tôi cũng mới sắm thôi, vì tháng 6-2012 điện mới về tới nhà mình. Tôi sống ở đây hơn 30 năm chỉ với đèn dầu, đèn bình. Từ ngày có điện, không chỉ cuộc sống của gia đình chị Hương mà cả ấp đều khác, sáng hẳn một vùng quê. Chị Hà Thị Niên ở Làng Thái tiếp lời: Có đường, có điện cuộc sống ở Sóc Quả như mặc áo mới. Người dân bắt đầu biết đến tủ lạnh, máy giặt và sử dụng nhiều đồ dùng điện hiện đại khác. Con đường vào Làng Thái hiện đã có thêm nhiều người ra vào buôn bán, không vắng vẻ như trước...

Chúng tôi làm được là dựa trên nguyên tắc dân chủ : dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra
- Ông Trần Minh Thắng, Phó bí thư chi bộ ấp Sóc Quả nói.

Ông Trần Minh Thắng chia sẻ kinh nghiệm: Chúng tôi làm được là dựa trên nguyên tắc dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và sự quyết tâm của dân cùng ban ấp. Khó nhất trong quá trình triển khai là công tác giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đã đưa ra nhiều phương án, trong đó có cả kêu gọi sự vào cuộc của chính quyền xã, huyện, nhưng cuối cùng nhờ tính toán kỹ, phần thiệt hại của người dân ít nên không xảy ra phiền hà. Đa số người dân đồng ý chặt điều, cao su để làm đường, kéo điện, thậm chí tham gia ủng hộ ngày công. Việc vận động chúng tôi dựa vào các ban, hội, đoàn thể ấp và chú trọng việc giải thích cặn kẽ với người dân, kêu gọi nhân dân chia sẻ cùng sự khó khăn của đất nước trong thời gian này, đồng thời cũng là tự phục vụ cuộc sống của mình.

Đa số người dân ở Sóc Quả đều phải đi vay để đóng tiền kéo điện, làm đường. Số tiền không chỉ dừng lại ở con số 12 triệu đồng/hộ dân mà còn cao hơn khi điện về đến nhà. Biết được điều đó nên khi thu tiền, tổ kéo điện, làm đường đều thông cảm với người dân và đưa ra nhiều phương án đóng góp, phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ như: thu từng giai đoạn, riêng hộ nghèo thì được giảm và thay vào đó là kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân trong ấp.

Ông Nguyễn Hữu Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: Phong trào xã hội hóa làm đường có ở cả 9 ấp, nhưng mạnh nhất là Hưng Lập A, Hưng Lập B, Sóc Quả, Lòng Hồ. Các ban ấp đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, lên kế hoạch và thực hiện bài bản, được nhân dân ủng hộ và tin tưởng. Đây là một trong những tín hiệu lạc quan, giúp chính quyền có cơ sở nhân rộng ra toàn xã.

Kết quả của phong trào này không chỉ đem lại bộ mặt mới cho nông thôn, mà còn thể hiện được khả năng huy động tiềm lực trong dân của các ban ấp. Xã hội hóa đường, điện còn thể hiện ý chí, sức mạnh đoàn kết, sự đồng thuận của nhân dân xã Tân Hưng trong chung sức xây dựng nông thôn mới.            

Phương Dung

  • Từ khóa
45660

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu