Thứ 6, 29/03/2024 15:09:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 13:19, 24/02/2017 GMT+7

Kinh nghiệm xã hội hóa giáo dục ở Phước Long

Thứ 6, 24/02/2017 | 13:19:00 276 lượt xem
BP - Những năm qua, thị xã Phước Long thực hiện khá tốt xã hội hóa giáo dục để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy vậy, Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Phước Long Dương Thủy Vân cho rằng, muốn xã hội hóa hiệu quả, bên cạnh huy động tốt các nguồn lực xã hội thì cần bám sát và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/2015/CT-UBND của UBND tỉnh “Về việc chấn chỉnh công tác thu, quản lý, sử dụng các khoản thu theo quy định và kinh phí được vận động thu tại các trường học, cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh”.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC

Cô Nguyễn Thị Hương Thoa, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai (phường Long Phước) cho biết, nhờ làm tốt xã hội hóa giáo dục nên trường mới khang trang như hôm nay, đồng thời chất lượng dạy và học nâng lên rõ rệt, được phụ huynh tin tưởng và cấp trên đánh giá cao.

Năm 1995, Trường mầm non Sao Mai được thành lập trên cơ sở vật chất cũ của khu nhà trẻ thuộc Nông trường 5 (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng), đến năm học 2012-2013 mới bàn giao đất để trường quản lý. Do khu nhà trẻ được xây từ năm 1974 nên 5 phòng học hiện đã xuống cấp trầm trọng. Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp khiến cô và trò luôn cảm thấy lo sợ khi đến lớp. Phụ huynh không yên tâm nên phải gửi con ở các trường tại phường Phước Bình, dù đi xa hơn. Trước thực tế khó khăn đó, với lòng yêu nghề, mến trẻ cô Thoa đã chủ động đề đạt ý tưởng xã hội hóa giáo dục thông qua tuyên truyền, làm tốt công tác với hội phụ huynh, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội, đoàn thể, cá nhân để tu sửa cơ sở vật chất trường, lớp. Nhờ đó, qua từng năm trường dần đáp ứng tốt việc dạy và học. Cô Thoa cho biết: Có năm trường nhận được nguồn kinh phí vận động của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT thị xã, hoặc phường Long Phước, hội phụ nữ phường, có khi là nguồn thu trích từ quỹ phụ huynh, quỹ xã hội hóa... Nhờ đó cơ sở vật chất có nhiều thay đổi, chất lượng chăm sóc trẻ tăng lên, đội ngũ giáo viên dần chuẩn hóa. Đến nay, trường có 8 lớp gồm 2 mầm, 3 chồi, 3 lá với 282 cháu.

Trẻ lớp lá Trường mầm non Sao Mai trong giờ học chữ

Bên cạnh đó, Trường mầm non Sao Mai luôn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học thông qua các hoạt động thao giảng, dự giờ, tổ chức sinh hoạt chuyên đề và học tập kinh nghiệm tại các trường ở TP. Hồ Chí Minh. Trường phát triển phong trào thông qua các chi đoàn, công đoàn, hội phụ nữ, hội chữ thập đỏ để lồng ghép tổ chức các hoạt động chuyên môn. Qua đó góp phần vừa nâng cao chất lượng chuyên môn vừa giúp đội ngũ giáo viên có cơ hội gần gũi, đoàn kết, yêu trường, yêu lớp và xem đó là ngôi nhà thứ hai của mình. Từ đó, đã có nhiều ý tưởng mới được thực hiện như nâng cao chất lượng bữa ăn của trẻ, tổ chức ăn sáng tại trường... giúp tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng các thể giảm mạnh, số trẻ đạt danh hiệu “Bé khỏe, bé ngoan” các cấp tăng.

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN KINH PHÍ HỢP LÝ, HIỆU QUẢ

Theo tôi, huy động sự đóng góp của toàn dân để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp là việc làm hoàn toàn chính đáng, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em học tập. Ở Trường mầm non Sao Mai, trước năm học mới, trường phối hợp hội phụ huynh học sinh công bố cụ thể, chi tiết các khoản thu để phụ huynh nắm rõ. Sau đó, công khai chi tiêu các khoản đóng góp, hiệu quả ra sao để phụ huynh yên tâm, phấn khởi thực hiện.

Chị Lê Thị Hiền, thành viên Ban chấp hành Hội phụ huynh học sinh Trường mầm non Sao Mai  

Năm học 2016-2017, ở thị xã Phước Long có 9 trường thực hiện xã hội hóa giáo dục gồm: tiểu học Trần Hưng Đạo, mầm non Thác Mơ, mầm non Sao Mai, tiểu học Phan Bội Châu, THCS Thác Mơ, mầm non Sơn Ca, mầm non Sơn Giang, tiểu học Thác Mơ và THCS Nguyễn Văn Trỗi. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, các trường chủ yếu dùng sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp chuẩn bị năm học mới như làm sân bê tông, quét vôi, mua sắm bàn ghế. Qua giám sát, kiểm tra, đến nay các trường đều làm đúng trình tự thủ tục trong công tác xã hội hóa.

Ông Dương Thủy Vân, Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Phước Long cho biết: Muốn công tác xã hội hóa giáo dục trở thành phong trào sâu rộng và đem lại hiệu quả thiết thực, các trường cần tổ chức để phụ huynh có sự đóng góp tự nguyện, bình đẳng, công khai. Các trường phải tổ chức thu, quản lý, sử dụng nguồn thu theo Chỉ thị số 12/2015/CT-UBND của UBND tỉnh, có chế độ miễn giảm phù hợp đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Đặc biệt, lãnh đạo nhà trường phải thể hiện trách nhiệm của mình và trong tổ chức họp với hội cha mẹ học sinh đưa ra các giải pháp đóng góp và quản lý các khoản thu hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tránh gây áp lực cho phụ huynh.

P.Dung

  • Từ khóa
86623

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu