Thứ 6, 29/03/2024 04:22:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:54, 08/07/2014 GMT+7

Kinh khủng thế!

Thứ 3, 08/07/2014 | 10:54:00 139 lượt xem

BP - Ông Nguyễn Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa đến thăm một trường THPT ở tỉnh này. Gặp 4 nhân viên bảo vệ và 4 lao công đang làm nhiệm vụ ngoài cổng trường, ông Chính hỏi: “Mười năm nay, các bác có bắt được kẻ trộm nào không?”. Họ đồng thanh đáp: “Không ạ, ở đây an toàn lắm”. Gặp người thủ thư trong thư viện của trường được xây khang trang nhưng không có sách, ông Bí thư hỏi: “Ở đây hằng ngày ông làm công việc gì?”. Ngay lập tức, ông Chính nhận được câu trả lời: “Tôi nhận báo và đưa lên cho hiệu trưởng”. Gặp phụ trách văn thư, Bí thư lại hỏi: “Ông làm gì?”. Câu trả lời là: “Tôi chuyển báo lên thư viện”. Vào phòng y tế học đường, Bí thư tỉnh ủy giở sổ theo dõi thì thấy chỉ có 2 học sinh khám nhức đầu trong cả năm học... Ông Chính đã phải thốt lên: “Bộ máy hành chính giờ kinh khủng thế!”.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng cho biết, một xã đảo ở tỉnh này chỉ có 200 hộ dân nhưng có đến hơn 100 cán bộ ăn lương và phụ cấp. Tính bình quân cả tỉnh Quảng Ninh, cứ 8,5 người dân thì có một người ăn lương ngân sách. Theo ông: “Phần lớn ngân sách đã chi vào bộ máy hành chính hết, vậy còn đâu mà chi cho phát triển, làm sao mà dân chịu được”.*

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2285/QĐ-TTg, ngày 26-11-2013, trong năm 2014, cả nước có 281.714 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan, tổ chức hành chính và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã). Và theo báo cáo của Bộ Tài chính tại cuộc họp Chính phủ, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2014, chi đầu tư cho phát triển giảm mạnh, thì chi cho sự nghiệp và quản lý hành chính lại tăng cao (14.600 tỷ đồng, tăng 0,7% so cùng kỳ). Điều này cho thấy sự cồng kềnh và sự chi tiêu của bộ máy công quyền ở nước ta hiện nay.

Bình Phước cũng không ngoại lệ. Mặc dù từ tháng 9-2012 đến nay, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh không thực hiện tuyển dụng, nhưng theo kiểm tra của UBND tỉnh, trường Phổ thông cấp 2-3 Đồng Tiến đang dư tới 26 biên chế. Đáng nói là mỗi biên chế được giao khoán 60 triệu đồng/người/năm, chưa kể phụ cấp khu vực và đặc thù bộ môn. Nhìn rộng ra các cấp, ngành khác trong tỉnh, có lẽ số công chức, viên chức dôi dư, làm việc kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về” không chỉ nằm ở hai con số.

Tinh giản biên chế đã và đang được Chính phủ triển khai thực hiện. Tuy nhiên, sau tinh giản, biên chế không giảm mà còn tăng và bộ máy hành chính nhà nước ngày càng “phình” ra. Nhiều nguyên nhân đã được mổ xẻ, đưa ra bàn luận cả ở Quốc hội, Chính phủ, ở mọi cấp, ngành. Gần đây nhất, Bộ Nội vụ đã đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế. Trong đó, dự kiến từ năm 2014 đến năm 2020 sẽ thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100 ngàn người. Nhưng điều người dân cần là trước khi tinh giản biên chế, phải rà soát, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh giản, gọn nhẹ; đồng thời đưa ra yêu cầu, thậm chí khoán lương cho từng vị trí công việc, vừa tiết kiệm chi cho bộ máy, vừa có điều kiện cải cách tiền lương. Song song đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các chính sách đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng làm việc của cán bộ, công chức phải thật sự cụ thể, khoa học, sát thực tế.

* (Theo KTSG)

H.T

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu