Thứ 6, 29/03/2024 16:07:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:57, 29/08/2019 GMT+7

Kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam

Thứ 5, 29/08/2019 | 08:57:00 1,431 lượt xem
BP - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về với thế giới người hiền cách đây 50 năm nhưng những lời căn dặn của Người về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong Di chúc đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Tuy chỉ là “để sẵn mấy lời”, song các luận điểm trong Di chúc của Người chính là những dự báo thiên tài, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của bậc vĩ nhân, trở thành động lực, sức mạnh tinh thần to lớn để tập hợp, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm hoàn thành tâm nguyện “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đó còn là cơ sở lý luận khoa học để Đảng ta đề ra các chủ trương, đường lối củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bởi những nhận định của Người xuất phát từ sự phân tích, đánh giá chính xác, khách quan tình hình cách mạng. Người đã nhìn thấy rõ những điều mà nhất định ta sẽ thắng, địch sẽ thua. Đó là ta có chính nghĩa; nhân dân ta đoàn kết, anh dũng, không sợ hy sinh, gian khổ; Đảng ta dày dạn kinh nghiệm cùng sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bạn bè quốc tế.

Thực hiện Di chúc của Người, Đại hội VI của Đảng đã chủ trương củng cố quốc phòng với phương châm “toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước”. Công tác quân sự, quốc phòng đã có những điều chỉnh chiến lược lớn, bố trí lại lực lượng trên phạm vi toàn quốc, xây dựng thế trận phòng thủ hợp lý, từng bước phát triển công nghiệp quốc phòng, xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến Đại hội VIII của Đảng vào năm 1996, quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nội dung về nhiệm vụ củng cố quốc phòng đã được xác định, từng bước được bổ sung và phát triển hoàn thiện. Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã làm rõ nội hàm, những mục tiêu, nhiệm vụ, các quan điểm cơ bản trong củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đường lối đó tiếp tục được bổ sung, phát triển, hoàn thiện trong văn kiện các Đại hội X, XI, XII của Đảng với việc khẳng định “Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là phát huy mạnh mẽ sức mạnh của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Thời gian tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Trong nước, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi lớn, chúng ta gặp không ít thách thức, khó khăn do vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng của mình cùng với việc các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá. Vì vậy, để củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải quán triệt sâu sắc và vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”, trong đó tập trung các nội dung trọng tâm sau:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người chỉ rõ “...từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người cũng khẳng định: “...nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Theo Người “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, có dân là có tất cả.

Làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo chính xác các vấn đề chiến lược, đại cục có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Đây là nội dung, biện pháp nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của các cấp, ngành mà nòng cốt là lực lượng vũ trang “để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”. Có nắm chắc tình hình mới chủ động đề ra các chủ trương, sách lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy theo đúng tinh thần “ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”.

Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đủ sức chiến thắng trong mọi cuộc chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng xây dựng quân đội nhân dân “tinh, gọn, mạnh, cơ động” theo Kết luận số 16-KL/TW, ngày 7-7-2017 của Bộ Chính trị về “Tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021”; lực lượng dự bị động viên hùng hậu; dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc khi có chiến tranh xảy ra.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có chất lượng, hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng, tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực trong củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những lời căn dặn về củng cố quốc phòng trong Di chúc của Người là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong thực hiện đường lối quân sự, xây dựng chiến lược quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình đó, Đảng đã không ngừng phát triển tư duy lý luận, tổng kết thực tiễn, kiên định mục tiêu cách mạng và những vấn đề có tính nguyên tắc trong củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Huỳnh Lực (Ban CHQS huyện Chơn Thành)

  • Từ khóa
2862

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu