Thứ 5, 25/04/2024 16:23:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:16, 06/05/2016 GMT+7

Kiến trúc sư tài ba

Thứ 6, 06/05/2016 | 13:16:00 920 lượt xem

BP - Nguyễn An quê ở vùng Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), từ nhỏ ông đã nổi tiếng thần đồng và có biệt tài về kiến trúc. Ông là tổng công trình sư, là kiến trúc sư trưởng của Bắc Kinh và là người chỉ huy xây dựng cổ thành Bắc Kinh cùng các công trình trị thủy trên sông Hoàng Hà ở Trung Quốc vào thời nhà Minh.

Chưa đầy 16 tuổi, ông đã tham gia các hiệp thợ xây dựng nhiều công trình kiến trúc tuyệt tác trong cung vua của nhà Trần. Khối óc thông minh và bàn tay tài hoa tuyệt vời của Nguyễn An đã lọt vào mắt Trương Phụ khi hắn chọn bắt những người Việt Nam có tài khéo nghệ tinh đem về dâng vua Minh. Minh Thành Tổ thấy Nguyễn An giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc, lại cương trực, liêm khiết hiếm thấy nên đã giao cho ông chức thái giám.

Thành Bắc Kinh xây dựng từ thời nhà Nguyên. Vua Minh thấy quá nhỏ hẹp lại chưa vừa ý. Năm 1437, vua Minh giao cho bộ Công xây dựng lại. Viên công bộ Thị lang là Thái Tin xin 18 vạn dân phu biết nghề và tốn phí về vật liệu không biết bao nhiêu mà kể. Vua nhà Minh thấy vậy ủy cho quan Thái giám Nguyễn An làm Tổng đốc công (Tổng công trình sư) xây dựng lại thành Bắc Kinh.

Sách Kinh thành ký thắng của Dương Sĩ Kỳ viết về việc xây dựng thành Bắc Kinh hồi ấy nói rõ: Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế. Bộ Công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay, bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thật là người đại tài, xuất chúng. Điều đó có nghĩa là từ vẽ đồ án, thiết kế, đào luyện thợ cho các hạng mục công trình đến chỉ đạo thi công đều do Nguyễn An phụ trách. Việc xây dựng lại thành Bắc Kinh gồm các công trình sau: Nội thành xây dựng hai cung, ba điện, năm phủ, sáu bộ và các công thự các ty. Ngoại thành có cửa Chính Dương có một chính lâu, ba gian nguyệt thanh lâu: cửa Sùng Văn, cửa Tuyên Vũ, cửa Triệu Dương, cửa Phụ Thành, cửa Đồng Trực, Tây Trực và cửa Đức Thắng, mỗi cửa có một chính lâu và một nguyệt thanh lâu. Ngoài các cửa đều dựng một cái bi lâu. Góc thành phía tây dựng một giác lâu.

Cùng với các công trình xây dựng ấy còn phải đào một hệ thống hào xây gạch thoát nước, làm 9 chiếc cầu đá qua hào dẫn vào thành. Khối lượng công việc cực lớn và phức tạp ấy đòi hỏi người tổng công trình sư chẳng những phải có tài về chuyên môn mà phải có tài tổ chức chỉ đạo. Bộ Công xin 18 vạn thợ là dễ hiểu. Vậy mà bằng sự tính toán của mình, Nguyễn An chỉ xin 1 vạn binh đang có mặt ở kinh sư lúc đó và chỉ làm trong 3 năm chứ không phải làm 5 năm như bộ Công yêu cầu. Điều đó khiến triều đình nhà Minh sửng sốt, không ít người tỏ ra nghi ngờ. Song, bằng việc chỉ đạo chính xác, khoa học, toàn bộ công trình kiến trúc đồ sộ ấy đã được hoàn thành trong hơn 2 năm. Vua Minh xem Nguyễn An như một “kỳ nhân”, thưởng cho 50 lạng vàng và nhiều vóc nhiễu quý.

Nguyễn An không chỉ là nhà kiến trúc đại tài, có công thiết kế, chỉ huy xây dựng cổ thành Bắc Kinh mà còn là người có tài đóng góp trong các công trình trị thủy sông Hoàng Hà. Những trận lụt lớn vào các năm 1444, 1445, vua Minh đều đặc phái Nguyễn An đến những nơi xung yếu nhất chỉ huy việc hàn khẩu, để lại tấm gương lao động quên mình trong lòng hàng triệu người dân Trung Quốc. Trận lụt lớn năm 1456, đê sông Hoàng Hà ở vùng Trương Thụ (Sơn Đông) bị vỡ, hàn khẩu mãi không được, vua Minh lại phái Nguyễn An đi, chẳng may ông bị bệnh và mất dọc đường. Trước khi mất, Nguyễn An trăng trối: Đem toàn bộ của cải của ông không phải để xây lăng như những người có công thời ấy thường làm, mà nên đem toàn bộ của cải của ông góp vào quỹ công, để phát chẩn cho dân ở những vùng bị lụt và những nơi ông đang đi mà chưa tới.

Lời bàn:

Nhà sử học Trương Tú Dân của Trung Quốc đã có nhận xét về Nguyễn An: Từ xưa đến nay, người tốt trong hoạn quan trăm ngàn người không được một. Còn Nguyễn An hết lòng vì công việc, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không có nén vàng nào trong túi, là một con người cao thượng, chỉ để lại công đầu ở Bắc Kinh. Nguyễn An là người kiệt xuất trong hoạn quan, công với quốc gia không thể phai mờ... Tôi nghĩ, với Nguyễn An không chỉ riêng giới công trình đáng ngưỡng mộ mà thị dân Bắc Kinh cũng nên uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm chớ quên. Và chỉ với nhiêu đó cũng đã là quá đủ để chúng ta hiểu rõ về ông - một kiến trúc sư với tài năng kiệt xuất.

Nguyễn An là một con người đã đi vào lịch sử được nhiều sử sách Trung Hoa ca ngợi về nhiều phương diện, ông còn là một nhà thơ, một tấm gương đạo đức cao đẹp. Nguyễn An xứng danh là một kiến trúc sư thiên tài như nhiều sử sách, báo chí Trung Hoa ca ngợi. Ông là một danh nhân, một ngôi sao Việt Nam tỏa sáng trên nền văn hóa Trung Hoa mà hậu thế cần học tập để tự hào, tự tin. Và cuộc đời cùng với sự nghiệp của ông luôn là lời nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam hôm nay dù đang sống trong hoàn cảnh nào, đều nên sống sao cho ra sống, sống sao không hổ thẹn với non sông đất Việt, sống sao không nhơ danh dòng giống Tiên Rồng.  

N.D

  • Từ khóa
109787

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu