Thứ 6, 29/03/2024 22:22:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:08, 04/06/2013 GMT+7

Kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ giáo viên

Thứ 3, 04/06/2013 | 16:08:00 288 lượt xem

Bài 2: Giải pháp xã hội hóa giáo dục ở huyện Hớn Quản

Là huyện mới chia tách, còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm gần đây, cùng với ngân sách địa phương, huyện Hớn Quản đã thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân đến đầu tư xây dựng trường lớp, góp phần khắc phục tình trạng thiếu và yếu về cơ sở vật chất.

>> Bài 1 Đích đến còn xa

KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU ĐÁNG KHÍCH LỆ

Ông Nguyễn Trung, Trưởng phòng Giáo dục - đào tạo huyện Hớn Quản cho biết, từ nhiều năm nay, chúng tôi đã tập trung phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền để các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện nhận thức sâu rộng về chủ trương xã hội hóa giáo dục. Công tác xã hội hóa  giáo dục được đẩy mạnh đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của các trường học, điều kiện dạy, học của thầy và trò, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện.


Nhà ăn của trường Tiểu học Thanh An được xây dựng từ nguồn xã hội hóa

Tuy chưa huy động được nhiều, nhưng từ những nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện, các bậc cha mẹ học sinh... cơ sở vật chất trường lớp ở nhiều vùng sâu, vùng xa của Hớn Quản đã được cải thiện. Năm học 2012-2013, từ nguồn vốn xây dựng cơ bản, huyện đã đầu tư xây 38 phòng học cho 6 trường, sửa chữa các phòng học hư hỏng với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng. Phòng Giáo dục và đào tạo đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện vận động các mạnh thường quân ủng hộ xây 12 phòng học trị giá trên 2,5 tỷ đồng cho các trường vùng sâu, vùng xa. Trong đó, Ngân hàng Á Châu chi nhánh Bình Phước ủng hộ xây 6 phòng cho trường Tiểu học Trà Thanh ở xã Thanh An, Hội từ thiện Hoa Hướng Dương (Việt kiều Mỹ) và Hội Việt Fihf do ông Điêu Chính Quốc Tuấn ở xã Tân Khai vận động xây 6 phòng cho trường Tiểu học Tân Khai B, Tiểu học Thanh An, Mầm non Tân Hưng...

Đạt được kết quả trên là do các trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, phụ huynh học sinh và nhân dân nhận thức sâu rộng về giáo dục nên sẵn sàng đóng góp kinh phí, vật tư, ngày công để xây dựng trường. Thông qua các buổi họp phụ huynh đầu năm, các trường đưa vấn đề mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất ra cùng trao đổi, bàn bạc, mọi khoản thu chi của lớp, trường đều được công khai minh bạch. Mọi chi tiêu từ nguồn quỹ hội đều có sự giám sát của phụ huynh... để họ thấy những đóng góp của mình được sử dụng hợp lý và mang lại lợi ích thiết thực cho con em.

KINH NGHIỆM Ở HAI TRƯỜNG MẦM NON VÀ TIỂU HỌC

Trường Tiểu học Thanh An cách trung tâm huyện Hớn Quản 38km. Thanh An là xã đặc biệt khó khăn, đời sống người dân còn nghèo, nguồn kinh phí địa phương eo hẹp, số học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 30%, học sinh con hộ nghèo đông... nên công tác vận động đóng góp rất khó khăn.

Năm học 2009-2010, trường dời về địa điểm mới (ấp Trung Sơn) nhằm đảm bảo đủ diện tích để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Lúc bấy giờ trường chỉ có 1 dãy lầu gồm 10 phòng học và 2 phòng chức năng, toàn bộ sân chơi, bãi tập, các phòng chức năng chưa có. Sân trường lồi lõm, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi bẩn... Trước những khó khăn trên, Ban giám hiệu nhà trường đã mạnh dạn vận động phụ huynh học sinh và các mạnh thường quân đóng góp để nâng cấp cơ sở vật chất. Kết quả, năm học 2009-2010, 2010-2011, trường làm được 1.500m2 sân bê tông và xây cột cờ với số tiền gần 137 triệu đồng. Năm học 2011-2012, trường làm nhà để xe cho học sinh và xây một nhà bếp rộng 36m2 trị giá trên 100 triệu đồng. Năm học 2012-2013, trường có hoa viên trồng cây cảnh và làm bê tông đường đi trong sân trường trị giá 28,2 triệu đồng...

Chia sẻ những kinh nghiệm hay, cô Trần Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh An nhấn mạnh: “Phải làm tốt công tác tuyên truyền giúp phụ huynh học sinh hiểu rõ muốn thoát nghèo, cách tốt nhất là đầu tư cho giáo dục và phải được phát triển từ phong trào xã hội hóa. Mỗi giáo viên phải đồng thời là một tuyên truyền viên giúp nhà trường thực hiện công tác vận động. Đầu mỗi năm học, nhà trường phải có kế hoạch tu sửa, nâng cấp, làm mới trường lớp, tham mưu cho chính quyền địa phương và phải có sự tham gia góp ý của phụ huynh. Thực tế cho thấy, khi phụ huynh, các cấp, ngành, đoàn thể thấy được sự cần thiết của một hạng mục công trình cho con em thì họ sẵn sàng đầu tư”...

Trường Mầm non Đồng Nơ cũng là một trong những trường làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Từ một ngôi trường sử dụng lại cơ sở vật chất cũ của THCS Đồng Nơ, đến nay trường đã có cơ ngơi đạt chuẩn quốc gia mức độ I.

Cô Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng trường Mầm non Đồng Nơ cho biết, trong hai năm học 2011-2012, 2012-2013, trường đã vận động các mạnh thường quân và phụ huynh góp 138 triệu 750 ngàn đồng làm mái hiên, nới hành lang, xây nhà vệ sinh, làm đường bê tông ra nhà vệ sinh cho các cháu... Tất cả các công trình này đều giao cho hội phụ huynh tính toán, thống nhất và thực hiện, nhà trường chỉ theo dõi, giám sát. Mọi đóng góp của phụ huynh tùy vào lòng hảo tâm. Nhà trường miễn đóng góp với những hộ có 2 con đang học cùng trường, hộ nghèo, khó khăn. Thế nhưng, rất nhiều hộ dù khó khăn vẫn sẵn sàng đóng góp. Có những hộ đóng 500-600 ngàn, có hộ chỉ vài chục ngàn đồng.

Ngoài việc huy động phụ huynh đóng góp, Ban giám hiệu còn vận động cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường và các doanh nghiệp, tiểu thương, công nhân nông trường cao su trên địa bàn xã ủng hộ. Quỹ thu được giao cho hội cha mẹ học sinh quản lý.

Đề án kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 1 đã kết thúc.Với những kết quả đạt được, đề án đã góp phần nâng cao chất lượng ngành giáo dục. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nếu không có những giải pháp quyết liệt, thúc đẩy tiến độ từ Ban chỉ đạo trung ương đến các địa phương, không kịp thời huy động được kinh phí... chương trình sẽ khó hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn.

 Minh Luận

  • Từ khóa
92224

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu