Thứ 6, 19/04/2024 10:31:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 16:24, 06/10/2013 GMT+7

Khuyến khích các dân tộc sử dụng tiếng nói, chữ viết của mình

Chủ nhật, 06/10/2013 | 16:24:00 96 lượt xem

* Điều 5 (sửa đổi, bổ sung Điều 5) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm 4 khoản, là những quy định về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam (Khoản 1). Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc (Khoản 2). Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình (Khoản 3). Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước (Khoản 4). Tôi cơ bản đồng ý với những nội dung trên. Tuy nhiên, xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, đề nghị bổ sung cụm từ “và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” vào sau “cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam” cho chính xác, đầy đủ và nhất quán với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Bởi vì, Việt Nam hiện có hơn 4,5 triệu kiều bào đang ở nước ngoài, trong đó có nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Khi nói đến người Việt Nam nói chung, chúng ta thường đề cập đến người đó thuộc dân tộc nào (Kinh, Mường, Thái, Gia-rai, Ê-đê...), sinh sống ở đâu (vùng, miền, trong nước, ngoài nước). Đề nghị bổ sung cụm từ “khối đại đoàn kết toàn” vào giữa cụm từ “chia rẽ ...dân tộc”, sửa đoạn “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình” thành “Đồng thời khuyến khích các dân tộc dùng tiếng nói, chữ viết và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, phù hợp”. Mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán riêng, với dân tộc này là phong tục tốt đẹp nhưng với dân tộc khác là hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật (chẳng hạn việc cúng xua đổi tà ma, chôn sống những đứa trẻ bị coi là “ma ám”...). Còn tiếng nói và chữ viết thì chỉ một số dân tộc tương đối lớn, có truyền thống lâu đời và ở một trình độ phát triển nhất định mới có thể sáng tạo nên tiếng nói và chữ viết. Đề nghị bỏ cụm từ “thiểu số” trong cụm từ “dân tộc thiểu số” tại Khoản 4 cho lôgíc với các Khoản 1, 2, 3.

 Theo những đề xuất trên, Điều 5 sẽ được sửa lại như sau: “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (Khoản 1). Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc (Khoản 2). Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Đồng thời khuyến khích các dân tộc dùng tiếng nói, chữ viết và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, phù hợp (Khoản 3). Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước (Khoản 4).

* Khoản 2, Điều 8 (sửa đổi, bổ sung Điều 8, Điều 12) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 viết: “Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Theo tôi, quy định như trên là chưa đầy đủ, cách diễn đạt còn chung chung. Tôi đề nghị bổ sung cụm từ “thực sự là những người có đạo đức, năng lực, trình độ” và thêm dấu “,” vào sau cụm từ “Cán bộ, công chức, viên chức phải” vì đây là điều kiện cần và đủ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ “tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân”. Đồng thời sửa đoạn “chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” thành “cán bộ, công chức, viên chức phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham nhũng, trục lợi cá nhân, hách dịch, cửa quyền”. Như vậy, Khoản 2, Điều 8 sẽ được sửa lại như sau: “Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải thực sự là những người có đạo đức, năng lực, trình độ, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham nhũng, trục lợi cá nhân, hách dịch, cửa quyền”.

* Khoản 1, Điều 43 (sửa đổi, bổ sung Điều 60) khẳng định: “Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật”. Theo tôi quy định như vậy là chưa đầy đủ. Trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật để bôi nhọ, xuyên tạc lịch sử; kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền lối sống ích kỷ, bàng quan, trụy lạc trong giới trẻ... Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung đoạn “nghiêm cấm lợi dụng việc sáng tác văn học, nghệ thuật để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước hoặc sáng tác các tác phẩm trái với văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của người Việt Nam”. Như vậy, Khoản 1, Điều 43 sẽ được sửa lại như sau: “Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật; nghiêm cấm lợi dụng việc sáng tác văn học, nghệ thuật để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước hoặc sáng tác các tác phẩm trái với văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của người Việt Nam”.

N. Bảo (TX. Bình Long)

  • Từ khóa
108264

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu