Thứ 6, 19/04/2024 12:42:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 13:30, 10/10/2017 GMT+7

Khu bảo tồn biển Phú Quốc sau 10 năm hoạt động

Thứ 3, 10/10/2017 | 13:30:00 178 lượt xem

BP - Khu bảo tồn biển (KBTB) Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang được thành lập sớm nhất trong mạng lưới các KBTB Việt Nam. Sau 10 năm đi vào hoạt động (2007-2017), đến nay KBTB này đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong việc phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần cải thiện sinh kế của người dân trong vùng. KBTB Phú Quốc cũng là nơi nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, giải trí, du lịch sinh thái và góp phần bảo vệ môi trường.

Đê chắn sóng trên đảo Phú Quốc

KBTB Phú Quốc gồm 2 khu vực: Khu phía đông bắc, đông nam đảo Phú Quốc và khu phía nam quần đảo An Thới. Tổng diện tích mặt nước của khu bảo tồn là 26.863 ha, trong đó vùng bảo vệ nghiêm ngặt 2.952 ha, vùng phục hồi sinh thái rộng trên 13.592 ha và vùng phát triển 10.317 ha. Theo các nhà khoa học, biển Phú Quốc là ngư trường giàu có, ngoài nhóm cá còn có nhiều nhóm hải sản giá trị kinh tế cao, hằng năm khai thác với sản lượng lớn, tạo nguồn thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân trên đảo và khu vực lân cận. Phía bắc đảo thuộc 2 xã Hàm Ninh và Bãi Thơm là vùng thảm cỏ biển rộng lớn. Phía nam là quần đảo An Thới, đây là khu vực có những rạn san hô sinh sống, phân bố chủ yếu ở xung quanh các cụm đảo phía tây nam như hòn Bần, hòn Thầy Bói, hòn Đồi Mồi, hòn Móng Tay... Các rạn san hô ở đây là nơi cư trú và cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho các loài cá, có tới 152 loài cá thuộc 71 giống và 31 họ. Tảo biển có 98 loài thuộc 51 giống, trong đó có 31 loài tảo đỏ, tảo lục và tảo nâu. Động vật thân mềm có 132 loài thuộc 3 giống của 35 họ thân mềm sinh sống trong rạn san hô, phổ biến nhất là ốc đụn, ngọc trai, trai tai tượng vảy. Da gai có 32 loài thuộc 23 giống của 15 họ da gai, trong đó hải sâm là phong phú nhất. Tại vùng biển này còn ghi nhận có sự xuất hiện của những loài nằm trong danh mục bị đe dọa tuyệt chủng như dugong (bò biển), rùa biển, cá heo. Ngoài hệ động vật thì thực vật ở đây cũng rất phong phú, với 9 loài cỏ biển, tổng diện tích 10.600 ha.

Sau 10 năm đi vào hoạt động, KBTB Phú Quốc đã tổ chức 8 đợt tập huấn kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức của Ban quản lý và các ban, ngành liên quan. Cán bộ, nhân viên khu bảo tồn tham dự trên 30 khóa tập huấn, hội thảo về sự giám sát đa dạng sinh học, tài chính bền vững, quy hoạch không gian biển, thực thi pháp luật, kỹ năng truyền thông, tham quan học tập kinh nghiệm quản lý các KBTB trong và ngoài nước; đồng thời xây dựng và phát triển 3 tổ tình nguyện cộng đồng về bảo tồn biển ở các xã Hòn Thơm, Bãi Thơm, Hàm Ninh với trên 30 thành viên. Khu bảo tồn cũng đã thành lập, đưa vào hoạt động 6 câu lạc bộ về bảo tồn biển trong các trường học trên địa bàn huyện; thành lập 2 nhóm giám sát đa dạng sinh học; đào tạo lặn biển bằng khí tài cho nhiều cán bộ, ngư dân trong KBTB để phục vụ công tác quan trắc.

Hiện nay, ngoài tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là phổ biến sâu rộng quy chế quản lý, KBTB Phú Quốc còn tăng cường phối hợp với bộ đội biên phòng, công an để tuần tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Ban quản lý Khu bảo tồn vận động ngư dân chuyển một số nghề khai thác hủy diệt sang công việc khác, không làm ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy sản và môi trường biển; đồng thời tập trung giải quyết các vấn đề về rác, chất thải, xây dựng phong trào bảo vệ môi trường. Từ năm 2011 đến nay, KBTB Phú Quốc đã thực hiện việc thu phí tham quan và du lịch nhằm tạo ra một khoản ngân sách phục vụ công tác quản lý và duy trì hoạt động. Thông qua việc đóng phí tham quan và du lịch, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng và các công ty du lịch sẽ có ý thức hơn đối với việc bảo vệ, gìn giữ tài nguyên biển quý giá của đảo ngọc Phú Quốc. (*)

Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo tài liệu baotonbienphuquoc.org

  • Từ khóa
111012

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu