Thứ 6, 29/03/2024 17:26:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 13:10, 12/09/2017 GMT+7

Khu bảo tồn biển ở Thừa Thiên - Huế

Thứ 3, 12/09/2017 | 13:10:00 415 lượt xem

BP - Tỉnh Thừa Thiên - Huế có bờ biển dài 128km, tiếp cận với ngư trường biển Đông, có tiềm năng to lớn về hải sản và tài nguyên thiên nhiên, trong đó Hải Vân - Sơn Chà là khu bảo tồn biển đã được Chính phủ quy hoạch. Cùng với các hệ sinh thái trên đất liền là Vườn quốc gia Bạch Mã, khu bảo tồn biển này tạo nên một vùng đa dạng sinh học, đóng vai trò quan trọng về sinh thái, tài nguyên không chỉ của Thừa Thiên - Huế mà còn cho cả vùng duyên hải Trung bộ nước ta.

Theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8-1-2014 (thay thế Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26-5-2010) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì quy hoạch Hải Vân - Sơn Chà là vùng dự trữ thiên nhiên rộng lớn, với 17.000 ha, trong đó diện tích khu bảo tồn biển chiếm 10.265 ha. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông qua kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ Thừa Thiên - Huế đến năm 2020, định hướng đến 2030, xác định vùng bảo tồn biển Hải Vân - Sơn Chà thuộc nhóm vùng bảo tồn, bảo vệ và phục hồi. Trong đó quy định các hoạt động được phép, không được phép và những hoạt động có điều kiện trong vùng bảo tồn.

Cán bộ, nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quân trồng rừng ngập mặn để tạo các vành đai xanh bảo vệ ven biển - ảnh internet

Khu bảo tồn biển Hải Vân - Sơn Chà bao gồm toàn bộ khu vực biển ven bờ ra đến độ sâu 30m nước thuộc thị trấn Lăng Cô. Việc quản lý Khu bảo tồn biển Hải Vân - Sơn Chà có sự tham gia của cộng đồng dân cư trong vùng. Qua đó, phát huy hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời huy động nguồn vốn từ nhiều thành phần để đầu tư xây dựng. Theo quy hoạch, tại đây có 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, là vùng biển được bảo toàn nguyên vẹn, quản lý và bảo vệ chặt chẽ để theo dõi diễn biến tự nhiên của các loài động - thực vật, các hệ sinh thái thủy sinh tiêu biểu. Cụ thể là hệ sinh thái rạn san hô, được ưu tiên bảo vệ tập trung chủ yếu từ cửa đầm Lập An đến đảo Hòn Chảo. Phân khu phục hồi sinh thái, là vùng biển được quản lý, bảo vệ để phục hồi, tạo điều kiện cho các loài thủy sinh vật, các hệ sinh thái tái tạo tự nhiên. Trong đó, những hệ sinh thái được ưu tiên phục hồi gồm: rạn san hô, vùng triều bãi đá, bãi cát biển... Ngoài ra, còn có hải sâm, san hô tạo rạn, rong tảo, cỏ biển là những đối tượng đang có nguy cơ bị đe dọa cao bởi các tác động từ thiên nhiên và con người. Phân khu phát triển, là phần diện tích còn lại của Khu bảo tồn biển Hải Vân - Sơn Chà. Đây là khu vực thực hiện các hoạt động như khai thác và nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ và xu thế môi trường ngày càng xấu do hoạt động của các ngành kinh tế; để bảo vệ môi trường, nguồn lợi và phát triển bền vững, ngành thủy sản Việt Nam đã xây dựng quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Hải Vân - Sơn Chà gắn kết hài hòa với phát triển các ngành kinh tế khác trong vùng. Việc thành lập Khu bảo tồn biển Hải Vân - Sơn Chà góp phần phục hồi và phát triển các hệ sinh thái san hô, cỏ biển và các quần thể thủy sinh vật. Khu bảo tồn có nhiệm vụ bảo vệ và phát triển các loài thủy sản bản địa trong khu vực có nguy cơ bị đe dọa và phát triển số lượng các loài thủy sinh nhằm duy trì và nâng cao năng suất sinh học của vùng. Phát triển Khu bảo tồn biển Hải Vân - Sơn Chà nhằm từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong vùng; đồng thời xây dựng mô hình phù hợp để quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng, góp phần cải thiện thu nhập, tạo việc làm cho người dân, thông qua hoạt động các ngành kinh tế không gây ô nhiễm môi trường.(*)

Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo Tạp chí Môi trường

  • Từ khóa
111296

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu