Thứ 6, 29/03/2024 15:25:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:27, 15/05/2015 GMT+7

Không tuyển lao động nữ là phạm pháp

Thứ 6, 15/05/2015 | 14:27:00 240 lượt xem
BP - Hiện nay, ở Bình Phước nói riêng và trong cả nước nói chung có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh từ chối tuyển dụng hoặc hạn chế tuyển nhân viên nữ. Chủ các đơn vị này thường đưa ra các lý do như sau: công việc cực nhọc, phải đi làm xa, đi công tác thường xuyên.

Tuy nhiên, trên đây là những lý do có thể chấp nhận được, nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều công ty đưa ra những lý do vô lý như: Lao động nữ làm không bao lâu thì lấy chồng, phải lo cho gia đình, chồng con, nghỉ thai sản dài ngày… lại thường xuyên nghỉ để lo cho con khi ốm đau... và như vậy sẽ gây thiệt hại cho công ty. Thậm chí, có doanh nghiệp còn thẳng thừng tuyên bố rằng họ không tuyển nữ có quê ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Lý do mà họ đưa ra là những người này hằng năm phải nghỉ phép dài ngày để thăm người thân và có người không quay trở lại... nên gây khó khăn cho đơn vị trong việc tuyển người mới... Và đây là những lý do không thể chấp nhận, bởi pháp luật hiện hành không cho phép các doanh nghiệp này làm như vậy và như thế là phạm pháp.

Tại Điều 160 của Bộ luật lao động có quy định rõ rằng chỉ có những công việc sau đây mới không được sử dụng lao động nữ: Công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con theo danh mục do Bộ Lao động - thương binh và xã hội chủ trì phối hợp Bộ Y tế ban hành. Công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước. Công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ. Đồng thời, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cũng đã có Thông tư số 26/2013/TT-BLĐTBXH về ban hành danh mục các công việc không được tuyển lao động nữ.

Như vậy, trừ những công việc được quy định tại Điều 160 trong Bộ luật Lao động và những công việc trong danh mục được Bộ Lao động - thương binh và xã hội ban hành kèm theo Thông tư số 26/2013/TT-BLĐTBXH thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mới không được tuyển lao động nữ. Còn lại, nếu doanh nghiệp nào từ chối tuyển lao động nữ là vi phạm pháp luật và những trường hợp vi phạm này có thể bị xử phạt theo Khoản 2, Điều 25 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP hoặc Điểm b, Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP.

Cụ thể, Khoản 2, Điều 25 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP có quy định như sau: Phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng đối với hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động. Và Điểm b, Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: b) Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.

Mặc dù pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể như vậy, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn cố tình vi phạm. Hơn nữa, đối với những đơn vị vi phạm, các cơ quan chức năng khó có cơ sở để chứng minh sai phạm. Để khắc phục tình trạng trên, đã đến lúc các nhà làm luật cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể các ngành nghề nào phải tuyển tỷ lệ lao động nữ là bao nhiêu, đồng thời nâng cao mức phạt đối với các đơn vị vi phạm để tránh lờn luật.

Đ.N

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu