Thứ 5, 25/04/2024 00:48:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 11:28, 21/11/2015 GMT+7

Không thích học lịch sử: “Sách giáo khoa khiến em sợ”

Thứ 7, 21/11/2015 | 11:28:00 157 lượt xem
BP - Trước hiện trạng học sinh xé tài liệu “trắng trường” khi không phải thi tốt nghiệp môn lịch sử, tỷ lệ điểm môn Sử quá thấp trong các kỳ thi, đã đặt ra vấn đề dạy học môn học này ở trường phổ thông hiện nay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến chuyện đưa môn Sử trở thành môn học/ thi bắt buộc hay tự chọn trong chương trình sách giáo khoa phổ thông mới áp dụng từ năm 2018. Đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến “cách ứng xử” của chúng ta - thế hệ hiện tại đối với quá khứ của dân tộc. Có thể nói, việc học sinh chán sử, điểm thi thấp, đã gây áp lực không nhỏ lên những người làm giáo dục.

Tôi không phải là giáo viên dạy môn Sử nhưng có dự giờ của đồng nghiệp thì thấy rằng, hệ thống kiến thức của môn học này sau khi thay sách giáo khoa không thay đổi bao nhiêu. Sách chỉ viết lịch sử theo diễn trình nên bài học nào cũng có mô típ: “hoàn cảnh thế giới - trong nước; diễn biến, kết quả, ý nghĩa sự kiện, bài học...”. Người viết sách luôn bố trí dày đặc các sự kiện con số (ngày, tháng, nhân vật lịch sử, chi tiết số liệu). Nội dung bài học chủ yếu là giáo huấn khô cứng, thiếu sinh động, không có tình huống “có vấn đề” không chỉ làm cho học sinh bị ngợp mà ngay người dạy cũng luôn trong tình trạng “nói hết công suất” nếu không sẽ thiếu ý, không hết bài. Cách viết sách này cho thấy sự đơn điệu trong trình bày. Vì giai đoạn lịch sử nào cũng chỉ có một cách tiếp cận giống nhau. Sự nặng nề của sách giáo khoa khiến giáo viên luôn bị áp lực kiến thức đè nặng và không thể thiết kế bài dạy khác với sách giáo khoa. Đó là chưa kể các kiểu “tích hợp”, “lồng ghép” những nội dung khác để giáo dục thêm.

Vì những kiến thức hàn lâm, khiến giáo viên khó đổi mới phương pháp, quanh đi quẩn lại cũng là cho học sinh xem bản đồ, tranh ảnh. Đây chỉ là phụ họa cho sách giáo khoa, không khiến người học cảm thấy thích thú. Vậy nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tìm đủ cách để nâng cao chất lượng môn lịch sử. Những nhà khoa học lịch sử thì luôn phàn nàn về thế hệ trẻ thờ ơ với lịch sử.

Khi trao đổi với học sinh, tôi nhận thấy đa số các em không chọn môn Sử để thi tốt nghiệp, số học sinh hứng thú với môn Sử chỉ đếm trên đầu ngón tay. Em Nguyễn Thị Mến - học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sử THCS, nay là học sinh lớp 10, Trường THPT Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập tâm sự: “Em yêu môn Sử, tự hào về truyền thống và những vị anh hùng của dân tộc nhưng phải học thuộc chi tiết sự kiện và từng con số lẻ khiến em thấy nặng đầu”. Tôi hỏi “Em có cho rằng học sinh chán môn Sử là không yêu nước không?”. Em trả lời “Không! Chúng em tự hào về quá khứ của cha ông từ thời dựng nước. Chúng em rất yêu quê hương nhưng kiến thức lịch sử trong sách giáo khoa khô cứng khiến học sinh sợ”.

Vấn đề này, trách nhiệm chính và trước hết thuộc về Bộ Giáo dục - Đào tạo và những người biên soạn sách giáo khoa. Nên chăng sách giáo khoa có cách viết khoa học, lược bớt sự kiện nhỏ, số liệu vụn vặt, thay đổi cách trình bày vấn đề sự kiện, tránh trình bày lịch sử một chiều, không tạo tình huống có vấn đề. Đặt ra những câu hỏi để người học tìm hiểu tranh luận, chấp nhận cách đánh giá đa dạng của học sinh về một vấn đề lịch sử. Bên cạnh bài học chính, cần có thêm những mẩu chuyện nêu gương cả tốt lẫn xấu ở phần tìm hiểu đọc thêm...

Việc đổi mới phương pháp tiếp cận vấn đề phải được thực hiện ở bậc đại học trước - nơi đào tạo giáo viên dạy môn Sử. Đừng bắt giáo viên phổ thông phải mò mẫm phương pháp dạy hay, trong khi sách giáo khoa mới không có nhiều thay đổi so với trước. Muốn có món ăn ngon, trước hết phải có thực phẩm ngon rồi mới nói đến tay nghề của người nấu.

Ai cũng ý thức được môn Sử có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Học sinh phải biết tôn trọng, biết ơn các thế hệ đi trước, nhìn vào lịch sử rút ra bài học bổ ích cho những hành động của cá nhân và cả thế hệ hiện nay. Thế nhưng phương pháp giáo dục của chúng ta quá đơn điệu, chậm đổi mới sách giáo khoa và phương pháp tiếp cận khoa học. Các địa phương còn quá ít bảo tàng lịch sử, nhà trường không có kinh phí cho học sinh đi tham quan di tích lịch sử, chưa có nhiều bộ phim tài liệu, phim truyện về đề tài lịch sử hấp dẫn... Đó là trách nhiệm của toàn xã hội.

Ths. Vũ Văn Tuấn
 Giáo viên Trường THPT Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập

  • Từ khóa
85605

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu