Thứ 7, 20/04/2024 21:31:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:14, 28/04/2014 GMT+7

Cần, nhưng không thể vội

Thứ 2, 28/04/2014 | 13:14:00 137 lượt xem

Đầu tháng 4, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và bậc trung học phổ thông (THPT) trong cả nước. Đây là việc làm cần thiết, nhưng dư luận không khỏi băn khoăn, liệu trong những tiết học ấy, các em sẽ học được những gì, học như thế nào?

Ngay sau hội nghị, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt chương trình tích hợp nội dung phòng chống tham nhũng vào môn Giáo dục công dân ở cả ba khối lớp 10, 11 và 12 với thời lượng 6 tiết. Thực hiện chủ trương này, Sở GD-ĐT Bình Phước đã ban hành các văn bản theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và ngày 20-3 đã tổ chức hội nghị tập huấn cho 181 cán bộ là lãnh đạo và giáo viên dạy môn Giáo dục công dân (GDCD) của các trường THPT, THPT cấp 2-3, trung tâm GDTX và cán bộ chủ chốt của phòng GD-ĐT các huyện, thị. Các đại biểu đã được tập huấn các chuyên đề: Nội dung cơ bản của Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng chống tham nhũng; Hướng dẫn cách thức tổ chức giảng dạy tích hợp, lồng ghép nội dung phòng chống tham nhũng (PCTN) vào môn học giáo dục công dân cấp THPT.

Điều chúng tôi ghi nhận được ngay tại buổi tập huấn này là việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục ở bậc THPT là nội dung mới và khó. Trong chừng mực nào đó, môn Giáo dục công dân chưa thực sự được chú trọng đúng mức nên nhiều trường còn lúng túng trong giảng dạy. Cô Vũ Thị Dung, Tổ trưởng bộ môn Giáo dục công dân trường THPT Đồng Xoài cho rằng: Môn Giáo dục công dân tích hợp rất nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực, từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến vấn đề môi trường, kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản... Nay lại lồng ghép thêm nội dung PCTN, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức nhất định về luật pháp. Thế nhưng đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này hiện phần lớn chưa được đào tạo kiến thức nền về pháp luật. Đây là một trong những khó khăn, trở ngại ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảng dạy nội dung PCTN cho học sinh. Cô Dung cho biết, trường THPT Đồng Xoài đã dạy qua các bài GDCD được chỉ định lồng ghép nội dung PCTN nên nhà trường đã tổ chức 2 tiết ngoại khóa chuyên đề về PCTN. Dù có cán bộ của Sở GD-ĐT về dự giờ, nhưng giáo viên cũng chỉ truyền đạt một cách khái quát những nội dung trong tài liệu giảng dạy do Bộ GD-ĐT cung cấp. Phần minh họa cũng chỉ lấy những vụ án lớn trong cả nước đã được đưa ra xét xử để làm dẫn chứng chứ không thể lấy những ví dụ gần hơn trong phạm vi của tỉnh vì giáo viên chưa nắm được cụ thể.

Còn cô Nguyễn Thị Ngân, giáo viên dạy môn GDCD trường THPT chuyên Quang Trung thì chia sẻ: Nếu giảng qua loa, đại khái, không lấy ví dụ, dẫn chứng thì học sinh không hiểu, không thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCTN. Nhưng nếu đi sâu phân tích cặn kẽ, cụ thể thì dễ khiến học sinh hoang mang, lo lắng trước tình hình tham nhũng của đất nước.

 Người viết bài này có cùng quan điểm với hai cô giáo dạy môn GDCD đã nêu trên. Với đối tượng học sinh trung học phổ thông, tuổi đời còn trẻ, va chạm xã hội chưa nhiều, vốn sống ít, kiến thức pháp luật hạn chế. Vì vậy, việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy trong nhà trường cần chú ý trong biên soạn nội dung, lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp tâm lý lứa tuổi, khả năng tiếp thu của các em. Bên cạnh đó, hằng năm, những giáo viên giảng dạy môn GDCD cần được tập huấn, bồi dưỡng cả về kiến thức pháp luật lẫn phương pháp, kỹ năng sư phạm.

Thiết nghĩ, đưa nội dung PCTN vào giảng dạy trong trường THPT là việc cần, nhưng không thể vội.

L.T

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu