Thứ 6, 29/03/2024 01:32:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:21, 11/09/2018 GMT+7

Không thể “rút kinh nghiệm”

Thứ 3, 11/09/2018 | 08:21:00 93 lượt xem

BP - Ngày 4-9-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Nghị định nêu rất cụ thể các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; biện pháp xử lý khẩn cấp trong trường hợp xảy ra lũ, ngập lụt do sự cố đập... Những quy định nêu trên tưởng chừng như bắt buộc đối với các công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi, nhưng thực tế không phải địa phương nào cũng nghiêm túc thực hiện.

Bình Phước hiện có 66 công trình thủy lợi, trong đó 59 hồ chứa, 6 đập dâng và 1 trạm bơm cùng 206km kênh mương nội đồng. Trong tổng số công trình thủy lợi, Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý 53 công trình, 10 công trình do doanh nghiệp, tổ chức kinh tế quản lý và 3 công trình do UBND các xã quản lý. Để đảm bảo an toàn tại các công trình thủy lợi, trước mùa mưa lũ hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan đều tổ chức kiểm tra và đánh giá hầu hết công trình hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình đã xuống cấp cần được sửa chữa. Đó là hiện tượng xói lở trên bờ hồ An Khương (Hớn Quản); hồ Suối Láp tiếp giáp các xã Tân Hiệp, Đồng Nơ (Hớn Quản) hiện một phần mặt hồ bị phủ cỏ tranh, môn rừng và bèo ăn lan lên đến bờ kè đá, làm hạn chế dòng chảy. Còn tại Bù Đăng, hồ thủy lợi Sơn Hiệp (xã Thọ Sơn) bị bồi lắng khoảng 2.000m2 do đất sản xuất xung quanh hồ có độ dốc cao, mùa mưa nước chảy xiết kéo theo đất, đá trôi xuống, lại không được nạo vét hằng năm nên diện tích bồi lắng ngày càng tăng, đe dọa tràn đập nếu mưa nhiều. Hồ thủy lợi Bù Môn (thị trấn Đức Phong) bị bồi lắng khoảng 70%. Phần bồi lắng phát sinh nhiều cỏ mọc nên người dân thường chăn thả trâu, bò phóng uế làm mất vệ sinh nguồn nước. Rồi hồ Đa Bo ở xã Đồng Nai, thân đập bị thấm nước, rò rỉ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn...

Trước tình trạng mất an toàn của một số công trình hồ, đập thủy lợi và qua ý kiến cử tri, tháng 3 vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã khảo sát thực tế tại 4 công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý ở 2 huyện Bù Đăng và Phú Riềng - là những công trình nhận được nhiều phản ánh của người dân. Đoàn xác nhận hầu hết phản ánh của người dân là chính xác. Trong buổi làm việc với Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước ngày 21-3, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã yêu cầu đơn vị này thực hiện một số biện pháp an toàn như: đặt biển báo nguy hiểm tại các hồ thủy lợi; phối hợp chính quyền cơ sở xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường khu vực hồ thủy lợi; đẩy nhanh tiến độ xây cầu trên mặt đập và nạo vét đất bồi lấp tại công trình thủy lợi Bù Môn (xã Đoàn Kết) và nạo vét công trình thủy lợi Hưng Phú (xã Minh Hưng) của huyện Bù Đăng. Đề xuất của Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước về bố trí vốn để sửa chữa, nâng cấp một số công trình cấp nước đã xây dựng từ lâu và dọn bèo, cỏ ở một số hồ chứa, sửa chữa mặt đập tại các công trình thủy lợi bị xuống cấp... đã được đoàn ghi nhận.

Sau các vụ vỡ đập thủy điện ở Lào, Myanmar khiến hàng ngàn người chết và mất tích, gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng khiến chúng ta không khỏi giật mình. Việc bảo đảm an toàn hồ đập không thể chờ “nước đến chân mới nhảy”, vì sẽ không kịp; cũng không thể “rút kinh nghiệm”, bởi khi sự cố xảy ra thì tính mạng của rất đông dân cư khu vực gần công trình đã bị dòng lũ cướp đi mất rồi!

 Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu