Thứ 7, 20/04/2024 05:41:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:30, 07/03/2019 GMT+7

Không thể phủ nhận, xuyên tạc lịch sử

Thứ 5, 07/03/2019 | 07:30:00 1,900 lượt xem
BP - 40 năm đã trôi qua, song hậu quả của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc vẫn còn rất nặng nề, cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã bất chấp sự thật, đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phản động, chà đạp lên biết bao công sức, mồ hôi, xương  máu và nước mắt của quân, dân Việt Nam trong cuộc chiến ấy.

Cả nhân loại ai cũng biết, cuối năm 1978, thể theo thỉnh cầu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và để bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược, đập tan cuộc tiến công toàn tuyến biên giới Tây Nam của bè lũ Pôn-pốt. Sau đó, quân tình nguyện Việt Nam đã cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia nổi dậy đánh bại tập đoàn diệt chủng Pôn-pốt. Tuy nhiên, không cam tâm nhắm mắt nhìn “đứa con ruột” của mình bị tiêu diệt, các thế lực phản động, hiếu chiến, bành trướng quốc tế đã hà hơi, tiếp sức giúp đỡ chế độ diệt chủng Pôn-pốt chuyển sang chiến lược chiến tranh du kích tại Campuchia, nhằm mưu đồ kìm chân lâu dài, khiến Việt Nam phải sa lầy trong một cuộc chiến dai dẳng, hao người tốn của. Vì vậy, các thế lực bành trướng Bắc Kinh liền mở mặt trận thứ hai - biên giới phía Bắc - hòng hy vọng thực hiện được 5 mục tiêu:

Một là, cứu bọn Pôn-pốt, giữ Campuchia trong quỹ đạo của mình - đây là mục tiêu chủ yếu. Ý đồ là chiếm một số khu vực đất đai của ta gần biên giới. Nếu ta sơ hở sẽ tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, buộc ta phải đàm phán, rút quân khỏi Campuchia để tạo điều kiện cho quân Pôn-pốt bảo toàn lực lượng, giữ được các căn cứ, đẩy mạnh hoạt động, hòng khôi phục chính quyền Campuchia Dân chủ.

Hai là, tranh thủ nguồn vốn, khoa học, kỹ thuật của đế quốc Mỹ và các nước đồng minh để xây dựng “bốn hiện đại hóa về: nông nghiệp - công nghiệp - quân đội và khoa học, kỹ thuật”.

Ba là, phá hoại tiềm lực quốc phòng và kinh tế của Việt Nam, làm Việt Nam suy yếu. Ý đồ là tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang ta, nhất là khối bộ đội chủ lực, phá hoại các cơ sở kinh tế, tàn sát gây tâm lý hoang mang trong nhân dân ta, kích động bạo loạn, hạ uy thế quân sự, chính trị to lớn của Việt Nam sau chiến thắng 30-4-1975.

Bốn là, uy hiếp Lào từ phía Bắc, làm suy yếu liên minh chiến đấu Việt - Lào, buộc Lào “trung lập”; phá hoại Lào toàn diện, buộc Lào theo họ chống ta, uy hiếp ta từ phía Tây, đẩy Việt Nam vào thế “tứ bề thọ địch”.

Năm là, thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận thế giới để chuẩn bị cho những bước phiêu lưu tiếp theo.

Các tư liệu lịch sử còn lưu trữ đến ngày nay đã chứng minh đây chính là sự thỏa hiệp, một âm mưu quốc tế hòng bóp chết Việt Nam. Năm 1978, sau chuyến thăm Mỹ của ông Đặng Tiểu Bình, Mỹ và Trung Quốc liền bắt tay, tiến hành “đổi chác” quyền lợi với nhau thông qua “mua bán” nền độc lập của các quốc gia - dân tộc khác. Được Mỹ bật đèn xanh, Trung Quốc liền mở cuộc xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Rõ ràng, sự “đổi chác” thể hiện ở việc Mỹ muốn thông qua hành động lần này của Trung Quốc để thăm dò khả năng tác chiến của quân đội và sự phản ứng của ban lãnh đạo Liên Xô; muốn Trung Quốc - Liên Xô chiến tranh “huynh đệ tương tàn”, nhằm một mũi tên trúng 2 mục đích, thứ nhất, rửa mối hận thua trận ở Việt Nam năm 1975 và thứ hai, tiêu diệt chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn cầu. Ngược lại, tấn công Việt Nam, Trung Quốc sẽ được nhận nhiều “món hời” từ phía Mỹ và đồng minh cả về kinh tế, chính trị.

Để dễ bề xuất quân, bọn bành trướng Bắc Kinh liền vu cáo Việt Nam “xâm lược” Campuchia, rồi ồ ạt đưa quân tấn công Việt Nam dưới chiêu bài “dạy cho Việt Nam một bài học” nhằm giúp đỡ tập đoàn phản động Pôn-pốt, lôi kéo sự ủng hộ quốc tế chống phá, cô lập Việt Nam. Đáp lại hành động quân sự hết sức phiêu lưu của bọn bành trướng Bắc Kinh lúc bấy giờ, ban lãnh đạo Liên Xô liền lên tiếng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng ủng hộ Việt Nam chống xâm lược với thông cáo “Liên bang Xô Viết sẽ thực hiện những điều khoản đã ký kết trong Hiệp định hợp tác và tương trợ lẫn nhau đã được ký kết với Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đồng thời, tiến hành tổ chức tập trận quy mô lớn sát biên giới Trung Quốc; lập cầu hàng không giúp vận chuyển các đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam đang ở phía Nam tập kết ra Bắc.

Do không đạt được mục đích đề ra, lại bị Việt Nam giáng trả mạnh mẽ, chịu tổn thất nặng nề, đồng thời bị dư luận tiến bộ thế giới và trong nước lên án mạnh mẽ, ngày 5-3-1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả các hướng. Với tinh thần nhân nghĩa, bao dung và mong muốn củng cố hòa bình, hữu nghị giữa nhân dân 2 nước, Đảng và Chính phủ ta đã chỉ thị cho các lực lượng vũ trang và nhân dân trên vùng biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để Trung Quốc rút toàn bộ lực lượng và phương tiện chiến tranh về nước. Hành động nêu trên của chúng ta bắt nguồn từ truyền thống ngàn đời của dân tộc, chứ không phải ta “hèn nhát”, “bị Trung Quốc bắt nạt” như bọn phản động, thù địch tuyên truyền, rêu rao.

Thực tế cuộc chiến tranh cho thấy, quân đội Trung Quốc mới chỉ giao chiến với bộ đội địa phương và dân quân du kích mà chưa hề đụng độ với bất kỳ một đơn vị chủ lực nào của Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều này là minh chứng hùng hồn, bác bỏ luận điệu cho rằng do Việt Nam đã khiêu khích, “lấn chiếm đất đai”, “quấy rối biên cương” phía Nam của Trung Quốc trước.

Kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, mặc dù còn tồn tại những bất đồng, những điểm khác biệt, song hợp tác và hữu nghị luôn giữ vai trò chủ đạo, mang tính tất yếu trong sự phát triển quan hệ 2 nước, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân 2 nước, phù hợp xu thế phát triển của thời đại ngày nay. Chúng ta chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, song không cho phép bất kỳ một kẻ nào, bất cứ một thế lực nào mưu toan xét lại, xuyên tạc, bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Bởi vì, làm như thế là có tội với tổ tiên, cha ông, với vong linh các anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vĩ đại đó.

Hồng Vân

  • Từ khóa
2835

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu